Vụ phóng thử phương tiện vũ trụ Starship gồm tên lửa đẩy Super Heavy và tàu vũ trụ cũng mang tên Starship của SpaceX vào ngày 18-11 tiếp tục thất bại, đặt ra câu hỏi về mục tiêu trở lại Mặt trăng vào năm 2025 của Mỹ.

Giấc mộng Starship của SpaceX còn bao xa? - Ảnh 1.

7h03 sáng 18-11 (giờ Mỹ), mặt đất tại bãi phóng Starbase của SpaceX ở Boca Chica thuộc bang Texas rung chuyển khi tên lửa đẩy khổng lồ mang tên Super Heavy cất cánh. 33 động cơ của tên lửa được mệnh danh là mạnh nhất hành tinh đưa tàu vũ trụ Starship nằm trên đỉnh Super Heavy hướng thẳng vào không gian.

Phát nổ nhưng vẫn “thành công”

Vào thời điểm bắt đầu phóng, phòng điều khiển vụ phóng tràn ngập tiếng vỗ tay và tiếng reo hò. Nhưng bầu không khí náo nhiệt đó không kéo dài lâu.

Tên lửa đẩy Super Heavy tách khỏi tàu Starship không lâu sau khi rời bệ phóng nhưng phát nổ gần như ngay lập tức thay vì rơi xuống vịnh Mexico như dự định. Tàu Starship sau đó cũng mất liên lạc với phòng điều khiển ở độ cao gần 150km. Và ngay trước khi SpaceX dự định tắt động cơ, hệ thống chấm dứt chuyến bay tự động đã kích hoạt, phá hủy tàu Starship trên vịnh Mexico. Nói một cách khác, tàu Starship đã tự cho nổ tung chính mình.

Toàn bộ sự việc diễn ra trong vòng tám phút. Cũng giống như vụ phóng thử đầu tiên hồi tháng 4 vừa rồi, SpaceX dự định đẩy tàu Starship lên độ cao khoảng 90km so với mặt đất và sẽ kết thúc hành trình ngoài khơi Hawaii sau khoảng 90 phút bay. Dù có kết cục giống nhau, nhưng so với lần trước, lần này thời gian bay của tên lửa đẩy và tàu vũ trụ đã tăng gấp đôi.

“Xin chúc mừng các đội đã đạt được tiến bộ trong chuyến bay thử nghiệm ngày hôm nay” – người đứng đầu Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Bill Nelson, viết trên mạng xã hội X.

Theo tạp chí National Geographic, để một vụ phóng tên lửa thử nghiệm được coi là thành công, nó phải hoạt động tốt hơn cuộc thử nghiệm trước đó. Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, tên lửa Super Heavy đã mất kiểm soát, không tách ra khỏi tàu Starship và tự hủy giữa không trung.

Nếu xét ở góc độ như National Geographic nói, cộng thêm lời chúc mừng của ông Nelson, vụ phóng lần này đã được xem là “thành công” dù không như kế hoạch mong đợi. Mặc dù vậy, việc hai lần thất bại liên tục đã làm dấy lên lo ngại về mức độ khả thi của dự án. Người lo lắng nhất lúc này có lẽ là NASA – cơ quan đã đặt kỳ vọng lớn vào Starship cho sứ mệnh trở lại Mặt trăng vào năm 2025.

Kế hoạch của NASA có bị chậm lại?

Đánh bại hai đối thủ cạnh tranh, SpaceX đã giành được hợp đồng trị giá 2,9 tỉ USD cho sứ mệnh Artemis III của NASA. Trong khi Elon Musk bắt đầu chế tạo phương tiện vũ trụ Starship với ý định thực hiện chuyến đi tới sao Hỏa, NASA thận trọng hơn khi chỉ sử dụng một phiên bản Starship để dừng chân ở Mặt trăng.

Kế hoạch của SpaceX rất táo bạo. Đầu tiên, họ sẽ phóng một kho rỗng vào quỹ đạo Trái đất, nơi sẽ đóng vai trò như một trạm bơm nhiên liệu đẩy của tàu Starship. Một tàu chở nhiên liệu chuyên biệt cho Starship sẽ tiến đến kho chứa nhiên liệu, nạp đầy oxy lỏng cùng methane lỏng vào kho chứa đang lơ lửng và trở lại mặt đất. Sau đó, tàu Starship sẽ được tên lửa Super Heavy đưa vào không gian từ Trái đất, gặp kho nhiên liệu đẩy và đổ đầy bình trước khi khởi hành đi vào quỹ đạo Mặt trăng.

Tại đó, nó sẽ gặp tàu Orion của NASA được phóng đi bằng một loại tên lửa khác. Tàu Starship sẽ ghép nối tàu Orion đang chở các phi hành gia bên trong và hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, con tàu sẽ đưa các phi hành gia và tàu Orion trở lại không gian rồi ở hẳn đó, đóng vai trò như một “xe buýt trung chuyển” giữa Trái đất và Mặt trăng trong tương lai.

Một quan chức của NASA ước tính sẽ cần dưới 20 lần phóng Starship để chuẩn bị cho sứ mệnh trở lại Mặt trăng. Tỉ phú Elon Musk thì tự tin sẽ không cần quá tám chuyến bay để lấp đầy kho nhiên liệu đẩy, nhưng khả năng cao sẽ nhiều hơn thế. Lý do là vì oxy lỏng, vốn phải được giữ ở nhiệt độ cực lạnh, sẽ bốc hơi khi kho chứa liên tục quay quanh Trái đất.

Với người bình thường, việc một phương tiện vũ trụ dự kiến chở con người liên tục bị nổ tung là điều đáng lo ngại. Nhưng các chuyên gia thì lại nhìn dưới góc độ khác. Nói với báo New York Times, ông Phil Larson, người từng là cố vấn không gian của Nhà Trắng dưới thời tổng thống Barack Obama và sau đó làm việc về nỗ lực liên lạc tại SpaceX, khẳng định các sự cố trong lần phóng đầu tiên đã được khắc phục ở lần này.

“Điều kỳ diệu của kỹ thuật là tất cả đều liên quan đến việc học hỏi, lặp lại thiết kế và sớm hoàn thiện nó”, ông Larson nói.

Ông Daniel L. Dumbacher, giám đốc điều hành của Viện Hàng không và du hành vũ trụ Mỹ, cũng đồng ý. “Starship là một hệ thống phóng lớn. Sẽ phải mất một số công sức để đưa nó đến nơi cần đến. Tôi tin chắc rằng nhóm SpaceX sẽ có thể tìm ra cách để phương tiện phóng hoạt động được”, ông này tỏ ra lạc quan.

Điều tra lỗi thử nghiệm

Cục Hàng không liên bang Mỹ, cơ quan giám sát các địa điểm phóng thương mại, cho biết không có thương tích hoặc thiệt hại tài sản trong vụ phóng ngày 18-11 của SpaceX. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết họ sẽ giám sát một cuộc điều tra do SpaceX dẫn đầu về lỗi thử nghiệm và sẽ phê duyệt kế hoạch của công ty này để ngăn những vụ việc như vậy xảy ra lần nữa.

Báo New York Times nhận xét văn hóa của NASA và SpaceX được thể hiện rõ ràng trong mỗi chuyến bay thử nghiệm. Các chương trình phát triển không gian của NASA làm theo cách truyền thống, được thiết kế đến mức hoàn hảo trước khi thử nghiệm.

“Nhưng câu thần chú ở SpaceX rất khác: xây dựng – kiểm tra – hư hại – lặp lại”, tờ báo của Mỹ nêu. Nhờ vào những thất bại thử nghiệm, công ty của Elon Musk đã đạt được nhiều tiến bộ kỹ thuật hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh hoặc chương trình không gian nào do chính phủ tài trợ, theo New York Times.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : SpaceXStarship

Các tin liên quan đến bài viết