Đến giữa tháng 11, xuất khẩu rau quả của nước ta lập kỷ lục lịch sử khi thu về 5 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là khách hàng gom mua nhiều loại rau quả Việt nhất.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/11, xuất khẩu rau quả của nước ta chính thức vượt qua con số 5 tỷ USD. Theo đó, trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, rau quả là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và kim ngạch chỉ xếp sau nhóm hàng gỗ và thuỷ sản.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của ngành rau quả, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này. Đến nay, xuất khẩu sầu riêng đã vượt qua con số 2 tỷ USD.
Các loại trái cây khác như mít, dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu rau quả vượt qua con số 5 tỷ USD
Về cơ cấu thị trường, đến hết tháng 10/2023, Trung Quốc chiếm 66,1% giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả khi đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng tăng mạnh trong 10 tháng năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho rằng, nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả bứt phá năm nay nhờ Trung Quốc và nhiều quốc gia tăng mua hàng Việt.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh dịp cuối năm do bước vào cao điểm mùa lễ Tết. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả được dự báo sẽ đạt 5,5 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), các mặt hàng rau quả của Việt Nam ngày càng rộng cửa xuất khẩu. Cơ quan chức năng đang tích cực đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Úc; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc…
Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận kết quả tích cực, song cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định từ phía thị trường nhập khẩu, bởi ngày càng nhiều nước áp dụng các hàng rào kỹ thuật.
Nguồn: vietnamnet