Thận – tiết niệu là cơ quan giúp cơ thể loại bỏ các chất thải tan trong máu ra khỏi cơ thể, đồng thời chúng giúp cân bằng điện giải và lượng nước trong máu. Nhiều bệnh đe dọa sức khỏe phát sinh tại thận – tiết niệu. Phát hiện sớm rất quan trọng.

Thận và hệ tiết niệu - Ảnh BSCC

Thận và hệ tiết niệu 

Nhiều bệnh nguy hiểm

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thận – tiết niệu có vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Cơ thể con người trao đổi chất với môi trường thông qua hệ tiêu hóa.

Mục đích của việc trao đổi này là thu nhận các chất cần thiết giúp cho việc tạo năng lượng để các tế bào hoạt động. Các sản phẩm không cần thiết sẽ bị bỏ lại trong ruột và trong máu.

Thận – tiết niệu là cơ quan giúp cơ thể loại bỏ các chất thải tan trong máu ra khỏi cơ thể, đồng thời chúng giúp cân bằng điện giải và lượng nước trong máu. Urê là sản phẩm chuyển hóa của thực phẩm, protein, là chất độc của cơ thể và được phóng thích vào máu. Thận có chức năng đào thải urê ra khỏi cơ thể cùng với các chất độc hại khác.

Ngoài ra, thận còn có chức năng quan trọng khác là kiểm soát sự sản xuất hormone erythropoietin – một loại nội tiết tố có chức năng kích tạo hồng cầu từ tủy xương. Khi chức năng thận giảm, sự giảm hormon này giảm sẽ gây ra thiếu máu.

Cơ quan thận – tiết niệu trong cơ thể người được chia thành thận và tiết niệu về mặt giải phẫu. Tiết niệu bao gồm các bộ phận: Niệu quản, bàng quang, cơ co thắt bàng quang, niệu đạo.

Có rất nhiều bệnh tại thận

– Bệnh cầu thận: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư,…; thận đa nang, bệnh xốp tủy thận dạng bọt biển,…; viêm cầu thận do tăng huyết áp, đái tháo đường,…

– Bệnh ống kẽ thận: Viêm mô ống kẽ thận cấp; viêm thận – bể thận do chít hẹp: hẹp vị trí nối bể thận niệu quản, sỏi niệu quản không điều trị, niệu quản gấp khúc, trào ngược bàng quang niệu quản,…; bệnh ống kẽ thận do thuốc, kim loại nặng,…

– Suy thận cấp, bệnh thận mạn và suy thận mạn

– Bệnh khác: Đái tháo nhạt do thận, nhiễm toan ống thận, teo thận không rõ nguyên nhân, nhồi máu thận, nang thận,

– U thận: U cơ mỡ mạch thận, ung thư thận,…

Tại hệ tiết niệu cũng gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm:

– Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Khi sỏi di chuyển trong niệu quản gây ra cơn đau quặn thận.

– Hẹp vị trí nối bể thận niệu quản, phình niệu quản.

– Viêm bàng quang cấp và mạn, áp xe bàng quang, rối loạn thần kinh cơ bàng quang, túi thừa bàng quang, chít hẹp cổ bàng quang, rò bàng quang – trực tràng, vỡ bàng quang.

– Viêm niệu đạo, hẹp niệu đạo, sỏi niệu đạo, túi thừa niệu đạo.

– Tăng sản tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt.

– Bệnh ác tính tiết niệu: U đường bài xuất, u bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến.

Ai có nguy cơ mắc bệnh và nên tầm soát để phát hiện sớm?

Theo PGS Đỗ Gia Tuyển, các bệnh lý về thận và tiết niệu ở nam giới có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể dẫn tới vô sinh nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, những người có tiền sử bệnh sau đây cần đi kiểm tra thận – tiết niệu để phát hiện sớm bệnh:

– Nghề nghiệp hoặc môi trường tiếp xúc: Tiếp xúc với dung môi hữu cơ có thể gây viêm cầu thận, công nhân nhuộm aniline và cao su có tỉ lệ mắc ung thư đường tiết niệu tăng, tiếp xúc lâu dài với chì và cadimi có thể gây tổn thương thận.

– Người từng mắc bệnh hoặc vào nằm viện do: Các nhiễm trùng, sốt rét, xơ gan, lao phổi, điều trị ung thư, các bệnh máu, u lympho. Tháng năm nào? Kéo dài bao lâu? Đã điều trị như thế nào? Hoặc đến khám do tiểu buốt, tiểu rắt thì từ trước đến nay đã bị bao giờ chưa, lúc nào, bao nhiêu lần?…

– Tiền sử phát hiện bệnh thận: Ví dụ, giá trị xét nghiệm urê và creatinin huyết thanh, các bất thường xét nghiệm nước tiểu (hồng cầu niệu, protein niệu).

– Sỏi tiết niệu hoặc đã điều trị can thiệp về sỏi tiết niệu: Tiền sử được chẩn đoán sỏi tiết niệu, đái ra sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở lấy sỏi.

– Các rối loạn tiểu tiện: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu gấp.

– Các thay đổi tính chất nước tiểu: Thay đổi màu sắc, có mùi, có bọt,…

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát nhiều lần (gây tổn thương sẹo ở thận).

– Thiếu máu (có thể là triệu chứng của suy thận mạn).

– Tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch: Thời điểm phát hiện, nguyên nhân, các thuốc đã sử dụng, đáp ứng điều trị,

– Tiểu đường: Type tiểu đường, thời điểm chẩn đoán, các biện pháp điều trị, đáp ứng điều trị, các biến chứng của bệnh.

– Bệnh gout: Thận có thể là tổn thương hậu quả của gút mạn tính (bệnh thận kẽ mạn tính do lắng đọng các tinh thể urat ở mô kẽ thận và/hoặc do sỏi urat ở thận), và trong bệnh thận mạn tính có thể có các cơn gout cấp do tăng acid uric máu.

– Tiền sử đau các khớp, ban cánh bướm ở mặt, ban dạng đĩa, nhạy cảm ánh nắng, xuất huyết dạng đi ủng

– Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát (có thể kết hợp với viêm cầu thận hoặc viêm mạch máu).

– Các thuốc đã dùng: Suy thận có thể gây ảnh hưởng tới chuyển hóa và dược động học của các thuốc và ngược lại, nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận. Cần hỏi đầy đủ bất kỳ loại thuốc nào đã được sử dụng, đặc biệt là các thuốc không được kê đơn (các loại thảo dược không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng,…) đều có thể gây độc cho thận.

Sử dụng cocaine và thuốc lắc có thể gây ra tiêu cơ vân và myoglobin niệu dẫn đến suy thận cấp.

– Hút thuốc lá: Thuốc lá liên quan tới một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư đường tiết niệu, bệnh tim mạch và có thể gây rối loạn chức năng thận tiến triển nặng hơn.

– Uống rượu quá mức có liên quan đến tổn thương thận tăng huyết áp.

– Tiền sử gia đình: Trong gia đình có ai bị bệnh như bệnh nhân? Có người mắc bệnh lao không? Có người phải điều trị thay thế thận (lọc máu chu kỳ hoặc được ghép thận)? Các bệnh thận có tính chất gia đình gồm: Bệnh thận đa nang di truyền gene trội, bệnh thận đa nang di truyền…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh nguy hiểmbệnh viện Bạch Mai

Các tin liên quan đến bài viết