Nhiều gia đình đã bỏ hàng chục đến cả trăm triệu đồng để các thiết bị điện trong nhà đều kết nối Internet, điều khiển từ xa, vận hành theo công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).
Bạn trẻ làm việc văn phòng điều khiển giặt đồ từ xa thông qua kết nối trên điện thoại
Các công ty cung cấp giải pháp nở rộ song chất lượng thiết bị cũng thượng vàng hạ cám, đòi hỏi cẩn trọng để đảm bảo chất lượng và tránh rủi ro an ninh.
Dừng đèn đỏ vẫn bật được điều hòa
Gia đình anh Trần Văn Hoàng (ngụ quận 7, TP.HCM) vừa đầu tư các thiết bị thông minh theo công nghệ AI.
Trong đó bộ rèm cửa điều khiển tự động, kéo mở theo thời tiết. Dàn đèn điều chỉnh ánh sáng tự động sẽ chuyển màu theo thói quen của gia đình như lúc ăn cơm chuyển sang đèn vàng ấm áp, lúc hát karaoke chuyển màu theo nhạc xập xình như quán bar.
Camera nhà anh Hoàng cũng tích hợp AI, tự nhận diện ai đã về nhà để báo thông tin qua app, giúp anh Hoàng tiện trong việc quản lý con cái.
Ngay cả ổ khóa cũng được kết nối WiFi, có thể chủ động mở khóa từ xa. “Có hệ thống điều khiển bằng giọng nói nên chỉ cần nói “good night” là rèm tự đóng, điện tắt và bật điều hòa phòng ngủ”, anh Hoàng nói.
Còn anh Nguyễn Tuấn Kiệt (ngụ TP Thủ Đức) tranh thủ lúc dừng đèn đỏ khi đi làm về đã mở điện thoại vào app để bật điều hòa và đèn phòng khách.
Vừa bước vào nhà, máy lạnh đã chạy mát rượi. Không những thế, chiếc máy giặt của anh Kiệt có chức năng AI để tự động tạo thói quen giặt giũ của chủ nhà và hoàn toàn có thể khởi động, tắt máy hay biết khi nào máy giặt xong trên điện thoại.
“Tôi mê các sản phẩm thông minh. Máy móc kết hợp Internet giá có cao hơn, thường 15 – 30%, cả dàn thiết bị điện tử có kết nối Internet trong nhà mình có giá trên 100 triệu đồng”, anh Kiệt kể.
Tuy vậy lợi ích không nhỏ, ngoài tiết kiệm thời gian, do mỗi thành viên trong gia đình đều có thể cài app, anh có thể kiểm soát việc dùng các thiết bị của con.
“Con ngủ phòng riêng nhưng tôi có thể điều chỉnh nhiệt độ hoặc bật, tắt đèn phòng ngủ cho con đi ngủ”, anh Kiệt nói.
Không chỉ nhà riêng, giám đốc bán hàng một tập đoàn bất động sản TP.HCM cho biết doanh nghiệp này vừa bàn giao dự án chung cư mà tất cả các căn đều tích hợp hệ thống điều khiển thông minh.
Trong đó mỗi căn hộ đều có hệ thống điện tử điều khiển qua app, hệ thống đèn, điện cảm ứng và cũng điều khiển qua điện thoại từ xa.
“Đây là xu hướng rồi, giúp cho dự án dễ quảng bá hơn. Giá mỗi căn có tích hợp thiết bị thông minh sẽ đội lên chừng vài chục đến khoảng 100 triệu đồng với các gói cơ bản, còn các gói cao cấp hơn khách hàng tự trang bị thêm”, vị này nói.
Bạn trẻ làm việc văn phòng điều khiển giặt đồ từ xa thông qua kết nối trên điện thoại
Giá chỉ từ 15 triệu đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Giáp, giám đốc kinh doanh Bkav Smarthome, đánh giá thị trường smarthome tại Việt Nam đã phát triển mạnh những năm gần đây.
Các sản phẩm và giải pháp smarthome đang đa dạng và phù hợp với hầu hết các quy mô và nhu cầu.
Theo ông Giáp, Bkav Smarthome hiện đã cung cấp giải pháp smarthome cho hơn 12.000 công trình, từ đơn giản tới cao cấp như: trợ lý ảo, điều khiển giọng nói, điều khiển ngôi nhà qua giao diện 3D trực quan, hệ thống an ninh tích hợp AI…
Ông Lê An Trung Thiện, giám đốc FPT Smart Home chi nhánh Tây Ninh, cho hay không chỉ các thành phố lớn mà ngay cả ở các tỉnh, tỉ lệ chuyển đổi sang dùng thiết bị thông minh trong nhà vẫn rất cao.
Ông Thiện cho biết chỉ cần từ 15 triệu đồng trở lên là khách hàng đã có thể sở hữu những bộ công tắc điều khiển đèn cảm ứng, điều khiển qua app và giọng nói nên số lượng người dùng đang tăng nhanh.
Theo ông Thiện, đối với các căn hộ 1-2 phòng ngủ, khoản tiền mà người dùng đầu tư cho hệ thống điều khiển thông minh thông thường dưới 30 triệu đồng tùy vào các giải pháp.
Thị trường cũng có nhiều thiết bị với đủ mức giá, song để hoạt động ổn định và bền, khách hàng cần chọn những thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có chế độ bảo hành tốt.
Tiện lợi, an toàn hơn
Còn theo ông Phạm Lê Minh – tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Điện Quang Thông Minh (DQSmart), với những chủ đầu tư bất động sản bàn giao căn hộ bán hoàn thiện, trước đây họ chỉ lắp những thiết bị thông thường nhưng hiện có xu hướng lắp các thiết bị thông minh để thuận lợi trong bán hàng, tăng giá trị căn hộ và giúp khách hàng dễ quản lý nhà cửa.Theo ông Minh, hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thông minh với rất nhiều giá khác nhau, cả hàng nhập khẩu lẫn nội địa.Với phân khúc căn hộ, khách chỉ cần bỏ ra khoảng 25 – 50 triệu đồng là đã sở hữu một ngôi nhà điều khiển thông minh (nhà phố có thể cao hơn).Theo ông Minh, hiện các gia đình trẻ rất chú trọng dùng các thiết bị thông minh bởi hầu như mọi việc điều khiển thiết bị trong nhà từ tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, hệ thống đèn, tưới nước, rèm cửa… đều qua app rất tiện lợi.Hệ thống camera AI sẽ nhận diện được những người lạ để cảnh báo, tăng an toàn. Công nghệ thông minh trong ngôi nhà sẽ không chỉ dừng lại ở tiện nghi mà còn chăm sóc sức khỏe gia đình, như cảnh báo người bị té, huyết áp cao thấp… để chuyển cho người thân.
Vẫn cần cẩn trọng với smarthome
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cho biết các thiết bị trong hệ thống smarthome cũng là các thiết bị IoT.
Chúng như những chiếc máy tính có hệ điều hành và phần mềm điều khiển, vì vậy chúng chứa đựng đầy đủ nguy cơ an ninh mạng như những chiếc máy tính, điện thoại thông minh.
Nguy cơ lớn nhất là mật khẩu yếu hoặc hệ điều hành, phần mềm điều khiển có lỗi, hacker có thể từ xa xâm nhập điều khiển. Hậu quả là người dùng sẽ gặp các vấn đề an ninh mạng như bị lấy trộm hình ảnh, bị theo dõi, bị điều khiển trái phép các thiết bị.
Không chỉ vậy, các hệ thống smarthome đều cần các máy chủ điều khiển để kết nối toàn bộ các thiết bị trong nhà, máy chủ này có thể được đặt tại nhà hoặc trên cloud (đám mây) của nhà cung cấp dịch vụ.
Nếu không được bảo vệ tốt, theo ông Sơn, hacker có thể xâm nhập vào hệ thống máy chủ này để chiếm toàn quyền điều khiển ngôi nhà, lấy cắp thông tin.
Nguồn: tuoitre.vn