Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn đáp ứng một số yêu cầu, trong đó rõ nhất là giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Do vậy việc dạy, học và thi cần bám theo mục tiêu này.
Không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tầm quốc gia
Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ theo phương án thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2 + 2), gồm: thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12.
Bộ cho rằng với phương án thi tốt nghiệp THPT này đã đáp ứng một số yêu cầu, trong đó cái thấy rõ nhất là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn, số buổi thi 3 buổi giảm 1 số buổi thi so với hiện nay).
Đề xuất này là một bước tiến đáng được ghi nhận. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục đổi mới và cần đổi mới triệt để hơn, vì một kỳ thi được tổ chức cấp quốc gia vẫn sẽ còn tốn kém và căng thẳng.
Luật Giáo dục hiện hành quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng luật không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn… mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Do vậy kỳ thi này hoàn toàn có thể do trường phổ thông hoặc sở giáo dục và đào tạo tổ chức. Bộ nên giao cho mỗi địa phương tự ra đề, tự xác định thời gian thi, tự tổ chức thi, tự coi thi, tự chấm thi, tự xét tốt nghiệp THPT. Khi đó bộ chỉ giữ vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, hậu kiểm kết quả thi ở các địa phương.
Học và thi theo định hướng phát triển năng lực
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Sự đổi mới cần phải thực hiện toàn diện và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Như vậy học không phải để thi. Quan điểm này cần phải được hiện thực hóa trong chương trình giáo dục phổ thông mới và trong đời sống giáo dục.
Trong khi trên thực tế việc dạy, và đặc biệt là kiểm tra đánh giá theo chương trình mới vẫn đang được các trường thực hiện rất nặng nề (ai có con đang học sẽ biết rõ).
Thực tế hiện nay cho thấy học sinh vẫn học để thi, vẫn phải chạy theo thành tích cho dù nhiều phụ huynh, học sinh không hề mong muốn. Vấn đề cần phải thông suốt trong toàn ngành giáo dục là học để phát triển năng lực và phẩm chất như đúng theo quan niệm của chương trình mới.
Đổi mới mạnh mẽ chương trình, chất lượng dạy tiếng Anh
Riêng với môn tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá một cách nghiêm túc chất lượng chương trình và chất lượng giảng dạy thực tế ra sao. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải ở chỗ thi hay không thi môn này.
Cần khẳng định ngay, tiếng Anh vô cùng quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay nhưng thực tế nếu học sinh chỉ học và thi ở trường phổ thông như hàng chục năm qua thì không thể giỏi ngoại ngữ được.
Ngành giáo dục cần phải thấy phụ huynh sẵn lòng chi tiền triệu hàng tháng để cho học ngoại ngữ ở các trung tâm bên ngoài. Họ đầu tư cho con học như vậy đâu chỉ để thi.
Tại sao ngành giáo dục không bàn giải pháp cạnh tranh với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài?
Nguồn: tuoitre.vn