Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều ăn ít tinh bột để phòng chữa bệnh mà không biết rằng sử dụng chất bột giúp ổn định đường huyết và hạn chế sự sản xuất insulin.
Sàng lọc bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết trung ương
Ăn nhiều, bỏ đói đều gặp tai biến
Chị N.T.H. mới 42 tuổi đã nhịn ăn tinh bột và không dám ăn chất đường, chất béo để giảm cân, phòng tránh bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu. Chị thường lựa chọn các loại thực phẩm có năng lượng thấp như khoai, miến. Kết quả chị ngất xỉu tại nơi làm việc và khi vào viện được chẩn đoán hôn mê do hạ đường huyết.
Thực tế tại các bệnh viện cho thấy không riêng gì chị H. mà rất nhiều người đã có những sai lầm trong ăn uống, dẫn tới bệnh tiểu đường và những biến chứng nặng nề nguy hiểm của bệnh.
PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường, nhấn mạnh hiện nay nhiều người, đặc biệt người bệnh đái tháo đường không hiểu biết nên đã có những sai lầm trong ăn uống, dẫn tới bệnh và những biến chứng nặng nề nguy hiểm.
Chẳng hạn như hầu hết người bệnh không dám ăn nhiều vì cho rằng ăn nhiều sẽ là nguyên nhân gây tăng lượng glucose trong máu. Nhưng họ không biết rằng càng nhịn ăn tình trạng bệnh càng xấu.
Thậm chí có không ít người phải vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngất, da xanh do hạ glucose máu. Đặc biệt, khi bệnh bị các biến chứng nhiễm trùng, cắt cụt chi… tiên lượng lại càng tệ hại nếu như không cho họ chế độ ăn giàu năng lượng.
Hay có một số người lại ăn nhiều để bù lại lượng glucose đã mất và hậu quả họ gặp đủ các biến chứng về rối loạn lipid máu (tim mạch, huyết áp…), suy thận, viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Việc các bệnh nhân đái tháo đường không chỉ kiêng đường mà còn kiêng cả tinh bột, không ăn cơm nhưng lại ăn nhiều miến, hoặc ăn quá nhiều khoai củ vì sợ đường huyết tăng cao, điều này là do thiếu kiến thức về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị bệnh.
Bởi đái tháo đường gây nên một loạt rối loạn chuyển hóa, trước hết là rối loạn chuyển hóa gluxit (chất đường) làm glucose máu tăng cao và xuất hiện glucose trong nước tiểu.
Rối loạn chuyển hóa đường kéo theo rối loạn chuyển hóa lipid, protit và các chất điện giải. Những rối loạn này gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh hoặc có thể dẫn tới hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vì vậy, người bệnh kiêng chất đường mà không biết rằng chất đường có hai loại: đường nhanh (saccarozơ) và đường chậm (tinh bột). Đường nhanh bao gồm: đường kính, đường mật, mật ong, các loại nước ngọt có gas.
Khi chúng ta dùng đường nhanh – dù chỉ một miếng đường, đường sẽ theo dạ dày đến ruột ngay sau đó. Đường được ruột hấp thu chuyển sang hệ tuần hoàn, nếu không có tiêu hao năng lượng (do hoạt động cơ thể). Cơ thể sẽ tích trữ năng lượng dưới dạng chất béo gây thừa cân, béo phì và đó là tác nhân của đái tháo đường.
Tinh bột là loại đường chậm, cấu tạo bởi nhiều phân tử glucose ghép chặt vào nhau. Ví dụ 5g mì sợi hay bánh mì đưa vào dạ dày, nhào trộn tiêu hóa dần, hấp thu ở ruột non, được chuyển từ từ sang máu và như vậy trong một thời gian dài, máu có thể cung cấp năng lượng theo nhu cầu cơ thể. Do đó, nồng độ đường cung cấp trong máu được ổn định.
Giữ ổn định chất bột đường giảm sử dụng thuốc
Theo TS Phan Hướng Dương – phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp.
Tuy nhiên, hơn 73% bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta không tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý vì chưa hiểu thấu đáo kiến thức dinh dưỡng.
Chất bột cung cấp protein nguồn gốc thực vật và vitamin nhóm B, cần thiết cho sự chuyển hóa và cân bằng thần kinh, cũng như các chất khoáng (canxi, kali và magiê). Sử dụng chất bột giúp ổn định đường huyết và hạn chế sự sản xuất insulin. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường có thể dùng chất bột.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhấn mạnh người bệnh đái tháo đường nếu biết kết hợp tốt chế độ ăn uống và thể lực, có thể chữa được 50% bệnh đái tháo đường tuýp 2, giúp ổn định đường huyết và giảm biến chứng.
Theo đó, người bệnh nên giữ ổn định số lượng gluxit (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.
Tỉ lệ thành phần thức ăn trong năng lượng khẩu phần bao gồm: gluxit: 50 – 60%; protein: 15 – 20%; lipid: 20-30% (với người trọng lượng bình thường và lipid máu bình thường), dưới 30% (với người béo phì); cholesterol: 300mg/ngày; chất xơ: 20 – 35g/ngày.
Nên chia thức ăn thành 5-6 bữa/ngày để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết.
Và đặc biệt là nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
– Gluxit: giảm gạo, thay bằng khoai củ như khoai sọ, củ từ hoặc bánh mì đen, gạo lứt, ngô, khoai, không nên ăn miến;
– Protein: các loại thịt nạc, sữa không đường, cá, đậu đỗ, lạc, vừng;
– Lipid: nên dùng cả dầu thực vật và một phần mỡ động vật, không ăn những sản phẩm nhiều cholesterol như các loại phủ tạng động vật.
Nguyên tắc chế độ ăn của bệnh đái tháo đường không phải là chế độ kiêng khem mà là: ăn đủ chất đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước; không làm tăng đường máu nhiều sau ăn; không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn;
Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hằng ngày; duy trì được cân nặng lý tưởng; không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận…; phù hợp với thói quen ăn uống của bệnh nhân.
Nguồn: tuoitre.vn