Để thúc đẩy ngành game phát triển, Bộ TT&TT sẽ cho ra đời ‘Game Hub’ nhằm kết nối người làm game, cùng với đó là việc mở các khóa đào tạo làm game cả dài hạn và ngắn hạn.
Ngành công nghiệp game Việt Nam đang dần được định hình và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế số. Theo số liệu của Data AI & App Magic, chỉ trong năm 2022, các tựa game và ứng dụng do người Việt phát triển đã thu hút 4,2 tỷ lượt download, xếp thứ 5 toàn cầu. Nhiều tựa game Việt Nam còn lọt vào các bảng xếp hạng top 10 thế giới.
Không chỉ có thứ hạng cao về phát triển game, ở Việt Nam, thể thao điện tử – một nhánh của ngành công nghiệp game cũng đang phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao điện tử Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của các giải đấu, ở Việt Nam đã dần hình thành các câu lạc bộ, đội tuyển thể thao điện tử.
“Chúng ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của những ngôi sao là game thủ nổi tiếng người Việt. Các giải thể thao điện tử tại Việt Nam hiện thu hút rất đông khán giả. Việc không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game cũng thể hiện quan điểm của Chính phủ coi đây là một ngành kinh tế sáng tạo. Đây là những tín hiệu tốt cho sự phát triển của ngành game Việt Nam”, ông Cường nói.
Một người trẻ Việt Nam đang trải nghiệm tựa game đua xe.
Chia sẻ về câu chuyện của ngành game, bà Gaby Hiền, Giám đốc phát triển kinh doanh của Google Play, Tập đoàn Google cho hay, kể từ sau cơn sốt do Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird tạo ra, chưa khi nào ngành game Việt lại nhận được nhiều sự chú ý như bây giờ. Mặc dù nhu cầu của thị trường ngày một tăng lên, nguồn nhân lực game hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động.
Lý giải về câu chuyện này, theo bà Hiền, rào cản lớn đối với người làm game chính là các định kiến của xã hội, khi nhiều người vẫn cho rằng game là xấu. Chính rào cản tâm lý đó đã hạn chế khả năng tiếp cận với ngành game của nhiều bạn trẻ. Với những người làm game, họ có xu hướng co cụm lại thay vì chia sẻ. Nhiều người làm trong ngành game đã 10 năm nhưng không dám nói với bố mẹ về công việc của mình.
Theo ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), ngành game Việt đã có sự thăng trầm trong nhiều năm qua.
Nghịch cảnh đầu tiên là việc chúng ta bị phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp làm game, thế nhưng 88% game phát hành ở Việt Nam lại là game nước ngoài. Những nhân tài kiệt xuất trong ngành game Việt Nam có xu hướng ẩn mình trong bóng tối, không muốn xuất đầu lộ diện.
Bên cạnh đó, công nghiệp game mang về ngoại tệ cho Việt Nam, nhưng ngành này lại phải nhận lấy nhiều định kiến xã hội. Chính những người đi học, đi làm trong ngành game cũng e ngại về những định kiến đó. Điều này dẫn đến chúng ta bị thiếu hụt nguồn nhân lực làm game.
Ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử.
Tại Việt Nam, công nghiệp game là một ngành có nhiều tiềm năng nhưng gặp nhiều lực cản không đáng có dẫn đến chưa phát triển đúng mức. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, những “bức tường” này đang dần bị phá vỡ.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng, vấn đề mấu chốt để ngành game Việt phát triển là phải tập hợp được 2 mảng sản xuất và phát hành. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT mà cụ thể là Cục PTTH&TTĐT sẽ triển khai chương trình “Game Hub” nhằm kết nối các studio game lớn nhỏ tại Việt Nam.
Tại đây, những người có kinh nghiệm sẽ dìu dắt người chưa có kinh nghiệm, công ty lớn có thế mạnh phát hành sẽ hợp tác với công ty nhỏ có thế mạnh về sản xuất. “Game Hub” cũng sẽ kết nối các quỹ và nhà sản xuất game để giúp họ tạo nguồn vốn.
Theo ông Lê Quang Tự Do, việc đầu tư vào lĩnh vực game luôn có rủi ro, nhưng điều mà các nhà đầu tư e ngại nhất là các dự án scam (lừa đảo). Năm 2022, đã có một làn sóng nhiều dự án game Việt không tốt khiến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng. “Game Hub” sẽ như một sự bảo chứng cho các dự án được thẩm định, có sự tham gia của nhà nước để các quỹ yên tâm đầu tư.
Song song với việc tháo gỡ những “nút thắt” này, Bộ TT&TT sẽ phát triển nguồn nhân lực cho ngành game thông qua các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn.
Hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT, Bộ TT&TT) đang làm các thủ tục để xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game.
Tới đây, một đơn vị khác thuộc Bộ TT&TT là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cũng sẽ mở trung tâm đào tạo các khóa làm game ngắn hạn nhằm phục vụ những ai muốn học nhanh từ 3-6 tháng để gia nhập ngay thị trường. Đây chính là lời giải cho bài toán nhân lực cho ngành game Việt.
Nguồn: vietnamnet