Trong dự báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ước tính đáng sợ: nợ công toàn cầu sẽ tương đương quy mô nền kinh tế thế giới vào cuối thập kỷ này.
Dữ liệu
Trong 50 năm qua, thế giới đã chìm trong bốn làn sóng nợ: Mỹ Latin những năm 1980, châu Á vào những năm 1990, sau khủng hoảng tài chính 2008, và đợt gần nhất vào năm 2010.
Hiện các bằng chứng cho thấy “cơn thủy triều nợ” lại đang nổi lên sau khi các chính phủ thả cho quả bóng nợ phình to trong lúc đối phó với đại dịch COVID-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bong bóng nợ
Tỉ lệ nợ so với GDP (tổng sản phẩm nội địa) toàn cầu đang có xu hướng tăng trở lại. Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính tổng nợ toàn cầu hiện tại là 307.000 tỉ USD, tăng 10.000 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm 2023.
Tỉ lệ nợ trên GDP, vốn đã giảm bớt phần nào do lạm phát cao, đã tăng lên mức 336% vào tháng 6 năm nay, tăng 2 điểm phần trăm kể từ đầu năm.
Trong đại dịch COVID-19, tỉ lệ này từng chạm đỉnh 360% và giảm dần trong gần hai năm qua. Theo dự đoán của IMF, tổng nợ công toàn cầu đang trên đà tăng nhanh, từ chiếm 20% GDP toàn cầu vào năm 2005 lên gần bằng quy mô nền kinh tế toàn cầu vào cuối thập kỷ này.
Điều đáng lo ngại là bong bóng nợ tăng mạnh trong lúc tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, đồng nghĩa với việc các nước sẽ khó ổn định nợ.
Trong đánh giá triển vọng toàn cầu mới nhất công bố đầu tháng 10-2023, IMF cảnh báo nhiều quốc gia hiện đang trên đà tăng trưởng với tốc độ chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Điều này kéo theo đà tăng trưởng toàn cầu giảm, khiến thế giới có nguy cơ đối mặt với những cú sốc kinh tế và “giảm bớt cơ hội vượt qua vết sẹo từ đại dịch và chiến tranh”.
Trong khi đó, lãi suất cao hơn cũng khiến chi phí trả nợ tăng vọt, khi một số nước tiếp tục vay số tiền khổng lồ để lấp vào sự chênh lệch giữa nguồn thu thuế và chi tiêu công.
Emre Tiftik, giám đốc IIF, cho rằng các nước đã trở nên nghiện nợ nần. “Hiện nay hầu hết các quốc gia đều có mô hình tăng trưởng hoàn toàn dựa vào việc vay mượn. Và bất cứ khi nào khoản vay đó chậm lại, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng kém hơn.
Về trung và dài hạn điều đó gây ra những hậu quả tiêu cực rất lớn. Nên chúng tôi rất lo lắng, đặc biệt nếu tốc độ tích lũy nợ đó cực kỳ nhanh”, ông Tiftik nhận định.
Bữa trưa miễn phí đã kết thúc
Theo các chuyên gia, đến nay chưa có nguy cơ thế giới không thể trả được nợ và vay mượn luôn có cái giá. “Mối lo ngại của chúng tôi là các nước sẽ phải chi ngày càng nhiều hơn cho chi phí lãi vay”, ông Tiftik nói và nhấn mạnh điều này sẽ gây tác động về lâu dài.
Đối với các nền kinh tế phát triển, cái giá đó là sự tăng trưởng yếu hơn và ít tiền hơn cho các dịch vụ công vì một phần tiền thuế được dành để trả nợ. IIF cho biết hơn 80% số nợ tăng thêm trong nửa đầu năm là từ các thị trường phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp có mức tăng lớn nhất.
Ông Edward Parker, giám đốc điều hành tại Fitch Ratings (cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ bậc xếp hạng của Mỹ), hồi đầu năm nay cảnh báo khoản tiền lãi ngày càng lớn sẽ là rủi ro lớn đối với tài chính công và xếp hạng quốc gia, nhất là khi giới chuyên gia đang lo ngại Pháp và Đức đang kéo cả khu vực đồng euro vào suy thoái.
Theo ông Parker, thời kỳ các nước phát triển có thể vay mà không cần phải lo lắng về tiền lãi đã qua. “Bữa trưa miễn phí đó đã kết thúc và các khoản thanh toán lãi của những nước này hiện đang tăng nhanh hơn nợ hoặc nguồn thu thuế”, ông Parker nói trên tờ Financial Times.
Tuy nhiên tác động của làn sóng nợ sẽ nặng nề hơn ở các quốc gia đang phát triển. “Trong khi gánh nặng nợ nần đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thì những tác động của nó lại khác nhau”, ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Tổ chức Allianz, nhận định.
Theo vị chuyên gia này, một số nước có khả năng xử lý nợ tốt nhờ lợi thế về thị trường tài chính lớn mạnh, đồng tiền được chấp nhận toàn cầu, trong khi một số nước đang gần chạm mức vỡ nợ.
“Các công cụ truyền thống mà chúng ta có chủ yếu được thiết kế để giải quyết các lỗ hổng nợ nước ngoài, điều này khiến các thị trường mới nổi rơi vào vòng luẩn quẩn của nợ và lạm phát với cái giá là tăng trưởng tiềm năng sụt giảm mạnh”, ông Tiftik cảnh báo.
Nhà kinh tế Ayhan Kose của Ngân hàng Thế giới bình luận cho dù thoát được nguy cơ vỡ nợ, các nước có khả năng sẽ rơi vào “cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng”, tức luôn lay lắt bên bờ vực do các khoản nợ tích lũy nhiều năm.
Phải hành động ngay
Ông Tiftik cho rằng các nước phải tập trung vào tăng trưởng để tránh bị đè bẹp bởi nợ nần. Ông nhận định: “Điều này rất quan trọng vì tăng trưởng được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân muốn sự rõ ràng và không thích sự không chắc chắn.
Đó là yếu tố lớn nhất khi đưa ra quyết định đầu tư, vì vậy môi trường thuận lợi là yếu tố then chốt”.
Trong khi đó, nhà kinh tế Ayhan Kose lo lắng thời gian không còn nhiều để gỡ “quả bom hẹn giờ” này khi tăng trưởng chưa thể hồi phục mạnh mẽ từ năm 2020 đến nay.
“Chúng ta đã đánh mất nửa đầu những năm 2020. Câu hỏi lớn bây giờ là: Liệu chúng ta có để mất lần thứ hai hay không?”, ông nêu.
Nguồn: tuoitre.vn