Sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nhưng để thành công, Việt Nam cần chọn cách tiếp cận cụ thể và định hướng rõ.
Nhân viên đang làm việc tại Nhà máy Intel Products Việt Nam
Khuyến nghị trên được các chuyên gia công nghệ đưa ra tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (AICTI) tổ chức vào ngày 29-10.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ tới Việt Nam
Ông John Neuffer – chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ – cho biết có nhiều doanh nghiệp (DN) Mỹ đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Intel, Mavel, Qualcomm, Amkor.
Vai trò của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn ngày càng lớn. Các trường đại học, những cơ sở đào tạo hàng đầu ASU, Arizona cũng mở rộng hợp tác với NIC để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
“Người Mỹ hiểu rằng chuỗi cung ứng bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam”, ông John Neuffer nhấn mạnh.
Và với sự hiện diện ngày càng nhiều DN bán dẫn Mỹ ở Việt Nam, ông John Neuffer tin tưởng sẽ phát huy tối đa tiềm năng bán dẫn của Việt Nam.
Đại diện BCG của Hàn Quốc nhận định khi các công ty vi mạch đang dịch chuyển nhà máy, Việt Nam cần có sự thống nhất, phù hợp với sự mở rộng các DN bán dẫn như TSMC.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã thành công với lợi thế lao động rẻ. Đây cũng là lý do để Samsung dịch chuyển các trung tâm sản xuất, R&D đến các quốc gia khác như Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, mong muốn về việc có nhà máy sản xuất bộ nhớ, con chip cần thực hiện trong dài hạn.
Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Theo ông ST Liew – phó chủ tịch Qualcomm, việc Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa lớn với việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Việt Nam sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm khu vực về bán dẫn, dù sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực rất lớn.
Ông ST Liew cho hay ngành công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ một chiếc điện thoại thông minh có hơn 165 thiết bị bán dẫn nên không quốc gia nào làm riêng. Cơ hội lớn nhưng Việt Nam cần xác định lựa chọn những khâu phù hợp để tham gia.
Ông ST Liew cũng chia sẻ Qualcomm đang sản xuất ở Việt Nam sẽ chia sẻ tri thức, năng lực chuyên môn thông qua hợp tác với công ty Việt Nam, hỗ trợ DN bản địa sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Qualcomm đã hợp tác với Viettel để phát triển công nghệ 5G.
Ông Changwook Kim, tổng giám đốc Amkor Việt Nam, cho hay hai tuần trước tập đoàn khánh thành nhà máy sản xuất bán dẫn tại Bắc Ninh, đó là sự khởi đầu.
“Chúng tôi là công ty lớn trong khu vực, sẽ có những công ty khác đến Việt Nam để đầu tư. Hiện Amkor đã đưa 100 chuyên gia đến Việt Nam để thiết kế sản phẩm, nguồn lực quốc tế rất quan trọng trong giai đoạn ban đầu. Từ nền tảng này, Amkor sẽ phát triển nguồn nhân lực địa phương”, ông Kim nói.
* Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng:
Ưu đãi cao nhất
Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này. Đồng thời xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ năm 2030.
Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và ba khu công nghệ cao, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn VN.
Nguồn: tuoitre.vn