Y học cổ truyền ví đậu phộng (lạc) là “quả trường sinh” rất tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa và trị được nhiều bệnh, nhưng không phải ai ăn đậu phộng cũng tốt, thậm chí ăn sai cách có thể gây bệnh.

Đậu phộng ngăn ngừa được nhiều bệnh nhưng cũng có thể gây bệnh - Ảnh minh họa

Đậu phộng ngăn ngừa được nhiều bệnh nhưng cũng có thể gây bệnh 

“Quả trường sinh” rất tốt để bồi bổ

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đây là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe mà lại rẻ tiền, dễ kiếm.

Y học cổ truyền ví đậu phộng là “quả trường sinh” vì có tính bình, vị ngọt, có công dụng dưỡng huyết bổ tỳ, nhuận phế hóa đàm, an thần, rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng ngăn ngừa và trị được nhiều bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc bao gồm cả lá, hạt, vỏ lụa của hạt để chữa các bệnh thiếu máu, di tinh, đau họng, mất ngủ…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy trong hạt đậu phộng có chứa 3 – 5% nước, 20 – 30% chất đạm, 40 – 50% chất béo, 20% chất bột, 2 – 4% chất vô cơ.

Thành phần chủ yếu trong nhân hạt là dầu. Nó bao gồm các glycerid của acid béo no và không no với tỉ lệ thay đổi rất nhiều tùy loại. Trong đó, acid oleic chiếm 51 – 79%, acid linoleic chiếm 7,4 – 26%, acid hexaxonic chiếm 0,1 – 0,4% và hai acid chỉ thấy trong dầu lạc là acid arachidic và acid lignoceric.

Đậu phộng chứa một lượng lớn steroid thực vật, một chất rất có lợi cho sức khỏe con người. Đặc biệt trong hạt còn chứa chất β-Sitosterol có tác dụng phòng ngừa ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và bệnh tim mạch.

Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng trong đậu phộng chứa chất resveratrol, loại chất này có hoạt tính sinh vật rất mạnh, nó không chỉ giúp ngăn ngừa ung thư mà còn có thể ngăn chặn tiểu cầu ngưng tụ. Mỗi 100g đậu phộng còn chứa 8,48mg kẽm, có thể tăng cường chức năng miễn dịch và chống lão hóa.

Một số công dụng tuyệt vời khác từ đậu phộng có thể kể đến: thúc đẩy cơ thể sinh trưởng và phát triển; thúc đẩy tế bào sinh trưởng, nâng cao trí thông minh; tăng cường trí nhớ, chống lãm hóa, làm đẹp và khỏe da;

Giúp hạ cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch vành; ngăn ngừa đột quỵ; bổ huyết, thông sữa; giảm nguy cơ sỏi thận; giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi; cầm máu và chống ung thư

Những người đại kỵ, tuyệt đối không nên ăn vì gây nhiều tác hại cho cơ thể

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết nhiều bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên chúng ta nên ăn đậu phộng thường xuyên để bổ sung nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Đậu phộng rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là chất chống oxy hóa, omega 3.

Tuy nhiên, không phải ai ăn đậu phộng cũng tốt, thậm chí ăn sai cách có thể gây bệnh. Những người không nên ăn gồm:

– Người dị ứng với đậu phộng: Một số người bị dị ứng với loại hạt này, nếu ăn, da sẽ bị phát ban đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm hắt xì, nghẹt hoặc chảy nước mũi, chảy nước mắt, co thắt dạ dày, tiêu chảy, chóng mặt hoặc ngất xỉu, buồn nôn và nôn. Để ngăn chặn tình trạng này, bạn nên tránh xa đậu phộng và những thực phẩm chứa nó.

– Người béo phì, mỡ máu: Tốt nhất không nên ăn đậu phộng bởi vì chúng chứa nhiều chất béo. Ăn nhiều sẽ khiến cơ thể hấp thụ nhiều lượng calo khiến bạn càng thêm thừa cân, béo phì.

Những người có hàm lượng chất béo vượt quá tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan cơ thể, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Do đó, những người thừa cân, béo phì không nên ăn đậu phộng để tránh gia tăng hàm lượng chất béo trong cơ thể.

– Bệnh nhân tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, cần điều trị suốt đời. Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát tổng năng lượng ăn vào hằng ngày, do đó lượng dầu ăn mỗi ngày không được vượt quá ba muỗng canh (30g). 18 hạt đậu phộng tương đương với một thìa dầu (10g), có thể tạo ra 90kcal nhiệt.

– Bệnh nhân loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính và viêm ruột mãn tính: Những bệnh nhân như vậy thường có các triệu chứng như đau bụng mãn tính, tiêu chảy hoặc khó tiêu, nên ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên, nhạt và ít dầu. Đậu phộng là loại hạt có hàm lượng đạm và chất béo quá cao, khó tiêu hóa và hấp thu, những bệnh nhân như vậy nên tránh ăn.

– Bệnh nhân gout: Bệnh gout là nhóm bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, người bệnh bị tăng acid uric máu. Vì chế độ ăn nhiều chất béo sẽ làm giảm đào thải axit uric và làm bệnh nặng thêm, nên kiêng ăn đậu phộng trong thời gian cơn gout cấp, chỉ nên ăn vừa phải trong thời gian bệnh thuyên giảm.

– Người bị cao huyết áp: Người cao huyết áp ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo như đậu phộng sẽ làm tăng huyết áp, động mạch xơ cứng, gây nguy hiểm đến sức khỏe.

– Người có bệnh về gan mật: Người có bệnh về gan mật nếu ăn quá nhiều, bổ sung quá mức lượng đạm và chất béo sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và túi mật, thậm chí làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

– Người hay bị nóng trong: Theo Đông y, đậu phộng vị ngọt, tính nóng có thể gây nóng trong. Do đó, những ai hay bị nhiệt, bị mụn, nóng trong người không nên ăn đậu phộng vì ăn đậu phộng sẽ khiến bạn khó thở và khiến cơ thể nóng thêm.

– Người bị bệnh phù thũng: Đậu phộng chứa một hoạt chất có tác dụng làm đông máu tạm thời. Nếu những người bị phù thũng ăn đậu phộng sẽ khiến cơ thể bị tổn thương, máu ứ đọng khiến tình trạng phù thũng thêm trầm trọng.

– Phụ nữ mang thai: Một nghiên cứu tại Bệnh viện Sainte Justine (Canada) đã chỉ ra, nếu phụ nữ ăn đậu phộng trong thời kỳ mang thai sẽ khiến trẻ sau này dễ mắc bệnh dị ứng cao hơn 4 lần so với những đứa trẻ khác.

– Người mắc chứng khó tiêu: Nếu bạn đang gặp vấn đề về tiêu hóa, nhất là bị đầy bụng khó tiêu, chướng bụng… thì không nên ăn bởi trong đậu phộng chứa nhiều chất béo, protein, khi ăn vào càng làm cho chứng khó tiêu thêm nặng hơn.

Nhiều người có thói quen ăn đậu phộng sống, đôi khi vì mục đích chữa bệnh. Đậu phộng sống chứa nhiều dinh dưỡng, khi ăn vào sẽ phát huy tác dụng làm trơn ẩm dạ dày, tuy nhiên nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy. Vì vậy một số người có bệnh về dạ dày khi ăn đậu phộng sống để giảm khó chịu dạ dày thì nên ăn có kiểm soát.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : phòng ngừa ung thưY học cổ truyền

Các tin liên quan đến bài viết