Đà Lạt giàu tiềm năng nhưng chững lại vì nhiều yếu tố. Hoàn thiện và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật – hạ tầng cho giao thông là vấn đề quan trọng hàng đầu và chắc chắn phải có sự góp sức từ các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Hồ Vô cực trong khu du lịch Đường hầm đất sét là điểm chụp ảnh yêu thích của du khách - Ảnh: MAI VINH

Hồ Vô cực trong khu du lịch Đường hầm đất sét là điểm chụp ảnh yêu thích của du khách 

Gần đây, khi nhìn những bức ảnh mà bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, tôi thấy Đà Lạt thay đổi khá nhiều. Đà Lạt vẫn xinh đẹp nhưng lại phảng phất không khí ngột ngạt. Có thể vì bê tông hóa, vì thu hẹp những mảng xanh, vì kẹt xe, vì những lúc thành phố “quá tải” vào dịp lễ, Tết.

Đà Lạt giàu tiềm năng nhưng chững lại vì nhiều yếu tố. Hoàn thiện và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật – hạ tầng cho giao thông là vấn đề quan trọng hàng đầu và chắc chắn phải có sự góp sức từ các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, quy mô và chất lượng của các sản phẩm du lịch – dịch vụ của địa phương cũng cần cân nhắc thận trọng để xứng tầm một thành phố du lịch – nghỉ dưỡng.

Ngoài ra tôi xin góp thêm một số ý kiến mà theo tôi, những thay đổi này sẽ giúp ngành du lịch Đà Lạt tốt hơn.

Một là tích hợp tính năng xem số lượng và mật độ du khách ở thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai gần trên ứng dụng du lịch Đà Lạt. Ở bất kỳ đâu, chỉ cần chiếc smartphone, du khách có thể biết được ở địa điểm A, B hay tuyến đường C, D nào đó ở Đà Lạt đang trong tình trạng “rất đông đúc”, “đông”, “vắng/ít người”, “thông thoáng”, “kẹt xe”…

Một bản đồ Đà Lạt với những chấm màu hoặc vùng màu sắc xanh, vàng, cam, đỏ… để hiển thị mật độ, số lượng du khách hoặc phương tiện giao thông, có kèm những chú thích như trên để mọi người biết, tránh đi vào những khu vực quá đông.

Ứng dụng cũng hiển thị dự báo tình trạng trong 1 giờ, 3 giờ, 12 giờ, 24 giờ tới hoặc dự báo ngày lễ, cuối tuần để du khách chủ động lựa chọn ngày đến, nơi lưu trú, tuyến đường đi.

Hai là đẩy mạnh hợp tác và tích cực chia sẻ lợi ích liên kết vùng. Đà Lạt chủ động kết hợp với các địa phương lân cận để tạo không gian mở cho thành phố Đà Lạt. Khi nội thành “quá tải”, các địa phương xung quanh sẽ là những vệ tinh giúp Đà Lạt giải quyết bài toán lưu trú cho khách du lịch.

Đà Lạt và các địa phương phải có những kế hoạch rõ ràng để thuyết phục du khách chọn ở lại các vùng lân cận này. Các địa phương cũng phải tận dụng thời cơ giới thiệu sản phẩm du lịch của mình.

Ba là hoạt động chào mừng các dịp lễ, Tết nên kéo dài trong vòng 2-3 tuần, tránh tập trung vào một số ngày nghỉ lễ chính nhằm giảm áp lực cung cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Mỗi quý, tháng, mỗi mùa hoa đặc trưng đều nên có những hoạt động, những “ưu đãi” để thu hút khách. Việc kéo dài và phân bổ hợp lý các hoạt động sẽ giúp du khách chủ động chọn thời điểm du lịch thích hợp nhưng vẫn thưởng thức trọn vẹn những giá trị mà du lịch Đà Lạt mang lại.

Bốn là lắng nghe, trao đổi và hợp tác với các công ty lữ hành để Đà Lạt kết nối với các thành phố du lịch trên cả nước, trở thành một trong những điểm dừng chân không thể thiếu trong tour xuyên Việt hoặc tour liên tỉnh.

Năm là chú trọng quảng bá hình ảnh Đà Lạt đến du khách quốc tế. Số lượng khách quốc tế đến Đà Lạt còn khá khiêm tốn so với những thành phố du lịch khác của cả nước. Festival hoa Đà Lạt, các sự kiện, thắng cảnh, hoạt động giao lưu giữa hai thành phố kết nghĩa Đà Lạt và Chuncheon… nên được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè thế giới thông qua các ấn phẩm du lịch, mạng xã hội, trên những chuyến bay, tàu xe, nhà chờ, trạm dừng chân…

Sáu là Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung không có biển. Đó là điểm thiếu, và Đà Lạt phải bù bằng những sản phẩm du lịch khác gắn liền với hồ, thác, sông suối, đồng thời nghiên cứu khai thác du lịch mạo hiểm.

Bảy là cố gắng giữ những mảng xanh tự nhiên, khôi phục những mảng xanh đã bị tác động. “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” – Đà Lạt phải giữ nét đặc trưng này mới tạo được sự khác biệt.

Đà Lạt phải có sự quy hoạch hợp lý giữa “xi măng cốt thép” và không gian xanh. Đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi phá hoại cảnh quan, môi trường.

Tám là đừng để sự kiện “100 món ngon từ atiso Đà Lạt” trở thành một sự kiện của ngày hôm qua. Hãy để atiso Đà Lạt trở thành một thương hiệu nức tiếng mà du khách trong và ngoài nước phải tìm đến để thưởng thức. Đà Lạt phải tự xây dựng những thương hiệu ẩm thực đặc sắc của mình.

Chín là chú trọng “thị phần” ổn định và đầy tiềm năng: team bulding. Giới thiệu thế nào về chính sách du lịch và chất lượng dịch vụ đến các nhà cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp là một câu chuyện cần nhiều thời gian hơn để thảo luận.

Mười là mỗi người dân Đà Lạt cần được biết họ là một đại sứ du lịch cho địa phương mình. Vui vẻ, niềm nở, không chèo kéo, không thách giá, sẵn sàng hỗ trợ du khách, đó chính là chìa khóa để tạo thiện cảm đối với bất kỳ du khách nào.

Nếu tính từ mốc 1893 – khi bác sĩ Alexandre Yersin thám hiểm và ghi nhận về một xứ sở tuyệt vời mang nhiều đặc tính tương đồng với khí hậu ôn đới châu Âu thì đến nay, Đà Lạt đã tròn 130 năm tuổi. Mỗi khoảng không gian, mỗi góc phố, mỗi con đường nơi đây đều là nơi lý tưởng để “check-in”, “selfie”, trải nghiệm.

Đà Lạt vốn có nhiều thứ hơn những gì du khách cần, vậy Đà Lạt còn chờ gì nữa mà không làm mới mình, phát huy thế mạnh để trở thành thành phố du lịch – nghỉ dưỡng top đầu của cả nước?

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đà lạtHiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Các tin liên quan đến bài viết