Khi lượng người dùng dịch vụ đông đảo và thường xuyên đến mức không thể thiếu, nhiều app gọi xe công nghệ, đặt đồ ăn và thức uống lẫn các sàn thương mại điện tử bắt đầu tung các chiêu bài “ăn dày” nhằm tăng doanh thu tối đa.
Người dùng và shipper… đều đang bị doanh nghiệp app “ăn dày”
Nhiều người dùng các dịch vụ gọi xe công nghệ, đặt đồ ăn và thức uống lẫn các cá nhân, doanh nghiệp bán hàng trên các app này cũng như các sàn thương mại điện tử (TMĐT)… vô cùng bức xúc vì bị các app, sàn áp đặt nhiều loại phí “trên trời, dưới đất” hoặc các chiêu trò “bào” doanh thu.
Tăng phí cũ, thêm phí mới
Là nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM, chị Quang Trân đặt đồ ăn, thức uống hằng ngày và cẩn thận ghi lại thông tin của các dịch vụ trên. Mới đây, khi xem lại ghi chép, chị Trân mới tá hỏa phát hiện chi phí giao hàng đã tăng mạnh so với 3 năm trước, chưa kể thời gian chờ nhận hàng cũng lâu hơn.
“Tôi thường xuyên mua bánh canh từ tiệm bánh canh trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) về công ty. Chi phí giao hàng đã tăng từ 12.000 – 15.000 đồng/đơn hàng lên 19.000 – 25.000 đồng/đơn so với cách nay 3 năm. Không chỉ phí giao hàng tăng đến 50 – 60%, thời gian chờ nhận hàng cũng lâu hơn”, chị Trân cho biết.
Do điều kiện cá nhân, anh Trung Thành (TP Thủ Đức) gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng gọi xe công nghệ mỗi khi muốn di chuyển. Để tiện lợi, anh đã tích hợp thẻ thanh toán vào app gọi xe để khỏi mất công trả tiền mặt mỗi cuốc.
Tuy nhiên, mới đây anh Thành cảm thấy chi phí đi lại tăng nhiều so với trước, dù tần suất và quãng đường không thay đổi nhiều.
“Tôi kiểm tra lại các hóa đơn thanh toán mới phát hiện không chỉ chi phí cho cùng một quãng đường đã tăng mà app còn áp đặt thêm một loạt phí như: phí nền tảng, phí quyền lợi chuyến đi, phụ phí ban đêm… Trong đó, phụ phí ban đêm cho dịch vụ xe máy là 10.000 đồng/cuốc, xe hơi đến 20.000 đồng/cuốc, không hề rẻ chút nào”, anh Thành cho biết.
Là khách thường xuyên giao dịch mua sắm và đặt xe trên các nền tảng TMĐT, chị Đồng Bảo Trân (34 tuổi, TP.HCM) cho biết có một số nền tảng đã bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ, thậm chí có nhiều phí rất vô lý. Khách hàng không chú ý là “mắc bẫy” tốn tiền dù không có nhu cầu sử dụng.
Chẳng hạn, có app gọi xe mặc định thu bảo hiểm từ 2.000 – 4.000 đồng/chuyến cho xe máy, ô tô nhưng không những không thông báo mà còn ẩn các thông tin liên quan đến bảo hiểm vào vị trí tác vụ mà khách hàng rất khó nhận thấy. Có ứng dụng còn kèm thêm các dịch vụ có thu phí như phí đóng góp trung hòa carbon…
“Không phủ nhận tiện dụng khi đặt dịch vụ qua app nhưng có quá nhiều loại phí vô lý đánh vào khách hàng để thu lợi. Nếu có hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe mỗi ngày có phụ thu với lý do tương tự, số tiền hãng thu về rất nhiều. Trong khi khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu sử dụng loại dịch vụ có phí này”, chị Trân nói.
Theo phản ánh của nhiều người dùng dịch vụ gọi xe công nghệ, các app thường xuyên “lấy cớ” nhu cầu người dùng đang tăng cao để tăng phí các chuyến đi. Cứ đến giờ cao điểm hay trời mưa, với lý do “nhu cầu tăng cao”, cước phí được các app đẩy lên gấp 2 – 3 lần so với bình thường. Các chương trình khuyến mãi, hạ giá cuốc xe hầu như vắng bóng dần.
Ép tài xế và đối tác bán hàng
Nhiều tài xế bức xúc với việc ứng dụng Grab thực hiện chính sách ghép hóa đơn giao hàng. Theo anh Tâm – một Grabike, với hình thức ghép hóa đơn giao hàng, tài xế phải giao hàng cho 2 – 3 khách khác nhau trên cùng một cung đường hoặc khu vực gần nhau. Tuy nhiên dù người dùng vẫn phải trả đầy đủ phí giao hàng, tài xế chỉ nhận được một phần công thêm rất nhỏ, còn lại app nhận đủ đầy.
“Khi đặt Grab mua trà sữa ủng hộ cho một người bạn, tôi phát hiện giá bán trên Grab lại cao hơn giá bán trực tiếp tại cửa hàng. Khi đặt hàng trên Grab ở dạng đơn giao hàng ghép, tôi vẫn phải trả phí giao hàng đầy đủ 29.000 đồng, trong khi tài xế chỉ được cộng thêm 3.000 đồng/đơn ghép. Còn lại app nhận đủ 26.000 đồng. Họ ăn quá dày!”, chị Bạch Tiên (quận 4) cho biết.
Theo nhiều tài xế Grab, Be và Gojek, không chỉ khách hàng mà đối tác cũng chịu các loại phí, chiết khấu khá cao từ 20 – 30% tùy app, chưa kể các khoản phí phạt vô lý khác trong quá trình hoạt động… Chưa hết, nhiều đối tác bán hàng trên các sàn TMĐT, app gọi xe, đặt đồ ăn, thức uống cũng vô cùng bức xúc vì bị chèn ép đủ kiểu nhưng phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tiếp tục được bán hàng qua mạng.
Mở cửa hàng online bán trên các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, chị Thiên Thủy, chủ shop chuyên hàng công nghệ – điện tử, cho biết hầu hết các sàn đều thu các loại phí như: phí sàn, phí tham gia chương trình vận chuyển (phải tham gia mới bán được, không thì phí ship sẽ rất cao và khách không mua), phí quảng cáo…, chưa kể thuế và thuế giá trị gia tăng.
“Có sàn buộc phải tung ra các chương trình khuyến mãi, mã giảm giá theo chương trình của sàn mới bán được hàng. Đến khi có doanh thu lại bị trừ lắm thứ phí như: tiếp thị liên kết, người nổi tiếng… Sàn ăn ngày càng dày nhưng khâu bảo vệ quyền lợi người bán hàng lại lỏng lẻo, hàng dễ bị shop khác nhái rồi lập shop giả bán giá thấp hoặc bom hàng để bôi xấu uy tín…”, chị Thủy tiết lộ.
Chị Thanh Trúc, chủ Anna shop (TP.HCM), cho biết từng kinh doanh một sản phẩm nhập khẩu chính ngạch của Hàn Quốc với các giấy tờ xác nhận đầy đủ từ nhà phân phối độc quyền. Khi đẩy mạnh việc kinh doanh trên sàn TMĐT lại bị các cá nhân bán hàng liên tục bán phá giá, chị Trúc lại không được hỗ trợ dù cung cấp đầy đủ giấy tờ và làm theo các bước được hướng dẫn.
“Thậm chí tôi còn bị khóa mall (khu gian hàng uy tín của sàn TMĐT) một thời gian”, chị Trúc kể và cho biết khi lên mall, shop phải trả tiền quảng cáo nhiều hơn cho sàn thì mới được hiển thị. Đó là chưa kể mall thu phí giao dịch đến 12%, còn người bán thông thường 7 – 8% tùy vào ngành hàng…
Các app còn âm thầm thu phí… trung hòa carbon, phí bảo hiểm đi xe… với khách đi lại bằng xe công nghệ
Thu phí… trung hòa carbon với người gọi xe!
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương vừa lên tiếng cảnh báo người dùng lưu ý về các khoản phụ thu trong các ứng dụng gọi xe công nghệ. Theo đó, một số ứng dụng gọi xe công nghệ cung cấp kèm thêm các dịch vụ có thu phí, như: phí bảo hiểm cho chuyến đi, phí đóng góp trung hòa carbon…Các ứng dụng này đã tự động tích chọn sẵn tính năng đồng ý lựa chọn dịch vụ khi người tiêu dùng đặt xe. Nếu người tiêu dùng không bỏ chọn tính năng này sẽ bị phát sinh thêm chi phí khi đặt xe.Trong khi đó, các dịch vụ này không phải là dịch vụ bắt buộc phải sử dụng. Người tiêu dùng chỉ phải thanh toán thêm phí khi đồng ý lựa chọn dịch vụ. Theo cơ quan này, việc các ứng dụng tích chọn sẵn chế độ đồng ý sử dụng các dịch vụ dẫn đến việc “người tiêu dùng không được biết đầy đủ quyền được lựa chọn của mình khi sử dụng dịch vụ, đặc biệt trong trường hợp người tiêu dùng cần đặt xe nhanh”.Cơ quan này cũng khuyến cáo người tiêu dùng “cần đọc, nghiên cứu đầy đủ các thông tin thể hiện trên ứng dụng khi thực hiện giao dịch đặt xe để bảo đảm thực hiện chính xác, đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình, đồng thời lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bản thân”. Ngoài ra, cần lưu ý về việc làm rõ cơ chế tích chọn đồng ý là áp dụng riêng cho từng chuyến xe hay là áp dụng chung cho tất cả chuyến xe mà người tiêu dùng sẽ đặt về sau…
Hết “trăng mật”, app bắt đầu “ăn dày”
Theo ông Nguyễn Duy Vĩ – giám đốc Công ty truyền thông Buzi, việc kinh doanh trên các sàn TMĐT, các app đặt đồ ăn đã qua thời gian “trăng mật” khi các app và các sàn TMĐT đã tăng các khoản phí thu từ người bán, người giao hàng (shipper) để tối ưu lợi nhuận.Với các app đặt đồ ăn, việc thu phí đối với người bán dao động từ 15 – 25% tùy theo mô hình kinh doanh. Việc này đưa người bán hàng tới hai sự quyết định, một là giảm chất lượng món ăn để bảo đảm biên độ lợi nhuận hoặc tăng giá để bù cho phần chi phí phải trả cho các ứng dụng. Và dù chọn phương án nào, người bán hàng trên ứng dụng vẫn gặp bất lợi, hoặc là tăng giá bán hoặc giảm chất lượng sản phẩm.Ngoài chi phí thu được từ người bán, các app đặt đồ ăn còn có một khoản phí từ shipper. Nếu muốn kiếm nhiều hơn, shipper phải chạy nhiều hơn, thậm chí phải gom đơn hàng đi giao một lần để tiết kiệm thời gian và chi phí xăng cộ… Đối với người dùng cuối, thoạt nhìn có vẻ như các biểu phí này không ảnh hưởng nhưng thực tế lại là người chịu nhiều ấm ức.Chẳng hạn, nếu không bị áp mức thu phí cao, người bán hàng có thể dùng khoản phí đó để cải thiện việc đóng gói giúp đồ ăn khi giao tới được ngon hơn, ví dụ này rất dễ thấy khi chúng ta so sánh với việc ăn tại quán và đặt đồ về nhà thì “độ ngon” đã giảm ít nhất 30%.
Doanh thu sàn tăng nhưng lượng người bán giảm
Theo báo cáo tổng quan sàn thương mại điện tử Việt Nam 2023 do nền tảng số liệu Metric công bố tháng 10-2023, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) trong quý 3 (từ 1-7 đến 30-9-2023) đạt 63.000 tỉ đồng, tăng đến 54,42% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, 443.000 gian hàng có phát sinh đơn hàng trong quý vừa qua, với số lượng đơn hàng được thực hiện thành công là 602 triệu đơn vị sản phẩm. Doanh thu đóng góp của từng sàn theo thứ tự gồm: Shopee (69%), Tiktok Shop (16%), Lazada (14%), Tiki (1%)…
Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, theo Metric, tổng doanh thu của 5 sàn trên đạt 163.000 tỉ đồng, tăng đến 58% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, mức doanh thu nêu trên của chỉ 9 tháng đầu năm 2023 đã hơn đến 7% so với cả năm 2022.
Dù doanh thu tăng mạnh nhưng theo khảo sát, số lượng người bán trên các sàn trong quý 3 đã giảm 12% so với quý 2-2023, tương đương hơn 49.500 gian hàng dừng hoạt động trên sàn.
Ngoài yếu tố khách quan từ thị trường (nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động, người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”…), việc điều chỉnh chính sách từ sàn mua sắm trực tuyến cũng là yếu tố khiến hàng chục nghìn gian hàng phải dừng hoạt động.
Nguồn: tuoitre.vn