Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV (Ảnh: TTXVN)

Cho ý kiến về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm là về lực lượng Kiểm ngư.

Báo cáo những vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất có Kiểm ngư Trung ương, riêng Kiểm ngư cấp tỉnh còn có ý kiến khác nhau, đó là: Thành lập Kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển (phương án Chính phủ trình); Chỉ thành lập Kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, hiện tại, lực lượng kiểm ngư Trung ương đang được tổ chức thành các vùng, hoạt động bảo đảm việc thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi (vùng lộng và ven bờ do thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm nhiệm). Hiện nay, vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi đó công tác thanh tra ở vùng lộng và ven bờ kém hiệu quả do lực lượng thanh tra không có công cụ hỗ trợ; phương tiện, thiết bị kém; đặc biệt là trình tự thủ tục phải thực hiện theo pháp luật về thanh tra, không phù hợp với các hoạt động trên biển để xử lý những tình huống khẩn cấp; chế độ chính sách cho lực lượng này cũng chưa tương xứng, trong khi hoạt động có nhiều rủi ro.

Mặt khác, yêu cầu của quốc tế, đặc biệt là EU (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống, bộ máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật về khai thác thủy sản trên biển đủ mạnh để ngăn chặn được các hành vi đánh bắt bất hợp pháp.

Từ những lý do trên, Thường trực Ủy ban KHCN&MT thấy rằng, việc tổ chức lực lượng kiểm ngư ở tỉnh, thành phố ven biển là cần thiết. Về biên chế, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trên cơ sở cơ cấu và cân đối trong tổng biên chế được giao cho ngành nông nghiệp, nên vẫn đảm bảo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW. Việc thành lập ở các tỉnh, thành phố có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định sẽ bảo đảm được tính hiệu quả của Kiểm ngư, tiết kiệm được nguồn lực và kinh phí.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho hay, đây là vấn đề có ý kiến khác nhau nên cơ quan này  đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Thành lập Kiểm ngư Trung ương ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển như Chính phủ trình. Phương án 2: Chỉ thành lập Kiểm ngư tại một số tỉnh cần thiết, có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định. Theo phương án này, dự thảo Luật đã quy định tiêu chí thành lập cơ quan Kiểm ngư cấp tỉnh tại Khoản 4, Điều 90.

Trong đó, Thường trực Ủy ban KHCN&MT chọn phương án 2.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc thành lập lượng kiểm ngư là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Bộ trưởng lí giải: “Phạm vi hoạt động kinh tế khu vực biển của chúng ta trên phạm vi 1 triệu km2, đạt khoảng 7,5 -8 tỷ đô la xuất khẩu thủy sản. Tới đây, theo một đề án của Hiệp hội nuôi thủy sản có đề xuất nuôi thủy sản Việt Nam đến năm 2030 tới 10 tỷ đô la. Như vậy, đã khẳng định tầm rất quan trọng về kinh tế nuôi trồng ở biển, do đó đòi hỏi phải có lực lượng chấp pháp tương xứng.

Hơn nữa, hiện nay cơ quan kiểm soát của EU chuyên về thủy sản đã cảnh báo Việt Nam nếu không quản lý tốt được lực lượng khai thác mà ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, cũng như giảm sản lượng, mất cân bằng thì họ sẽ đưa ra các cảnh báo, trong đó, cảnh báo đỏ là tất cả các mặt hàng xuất khâu thủy sản sẽ bị dừng lại”.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện lực lượng kiểm ngư đã có cấp Trung ương tham gia cùng các lực lượng chấp pháp khác thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển ở đới ngoài khơi. Trong khi đó, hiện nay còn khoảng gần 70% tàu thuyền, với gần 1 triệu lao động chủ yếu hoạt động ở đới lộng và đối trong bờ, nếu không có lực lượng kiểm ngư để kiểm soát, hướng dẫn thì rất phức tạp.

Từ những lí do trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh là rất cần thiết không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt an ninh quốc phòng. Đồng thời khẳng định, việc hình thành Kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, mà trên cơ sở chuyển đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Phòng Thanh tra (Pháp chế, thanh tra) thuộc Chi cục Thủy sản.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần thiết phải thành lập lượng kiểm ngư. Song đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm ngư.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: UBTVQH khẳng định cần thiết thành lập lực lượng kiểm ngư song việc tổ chức như thế nào cho hợp lý cần phải tính thêm.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)./.

Nguồn TTXVN

Từ khóa : Bộ trưởng Nguyễn Xuân CườngChủ nhiệm Phan Xuân DũngPhiên họp thứ 13

Các tin liên quan đến bài viết