Thực tế lặp đi lặp lại tình trạng khách mua vé máy bay sớm bị đắt đỏ, còn mua sát giờ bay lại rẻ; lữ hành rất khó tổ chức và bán tour. Liệu các hãng hàng không trong nước có đang kinh doanh kiểu “tận thu”?
Lữ hành bị làm khó, khách quay lưng
Nhu cầu đi lại cao, giá vé máy bay những dịp lễ, Tết tăng gấp đôi, gấp 3, lên tới vài triệu đồng so với ngày thường. Điều này lập tức ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các đơn vị lữ hành, còn khách du lịch sợ hãi quay lưng với du lịch trong nước.
Ông Phạm Quang Hậu, CEO Rooty Trip, dẫn chứng, đi du lịch Phú Quốc thông thường combo giá vé máy bay + phòng khách sạn khoảng 4 triệu đồng, cao điểm hè cũng chỉ 5-6 triệu đồng. Song, với mức giá cao chót vót, có thời điểm lên tới 8-10 triệu đồng/vé khứ hồi, khách không đi du lịch Phú Quốc.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, bức xúc, hiện giá vé máy bay các dịp lễ, Tết đắt đỏ song thực tế đang lặp đi lặp lại là có tình trạng khách mua vé sớm bị đắt, mua sát giờ bay lại rẻ.
Những dịp lễ Tết gần đây, hàng không trong nước thường tăng mạnh số chuyến vào sát ngày bay
“Không rõ các hãng hàng không đặt chế độ tự động hay cố ý mà sát ngày nghỉ mới tăng rất nhiều chuyến bay với giá thấp, người mua sớm thiệt thòi, chưa kể vé máy bay còn ế ẩm. Công ty du lịch thì không dám ‘ôm’ nhiều vé sớm, sợ thua lỗ khi giá xuống thấp; còn chờ đến lúc giá thấp thì sát ngày khởi hành quá, chúng tôi không bán được tour”, ông Đạt chia sẻ.
Rõ ràng, theo ông Đạt, giá vé máy bay cao ngất ngưởng không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại, về quê ăn Tết của đông đảo người lao động, mà còn gây thiệt hại cho ngay bản thân hãng hàng không và cả một vùng du lịch, điển hình như Phú Quốc dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua khi lượng khách sụt giảm, phòng trống la liệt, các đơn vị vận chuyển nằm chơi,…
Trong khi đó, khách lại đổ xô đi du lịch nước ngoài. Thống kê của các công ty lữ hành cho thấy, nghỉ lễ 30/4, khách mua tour đi nước ngoài chiếm tới 70%; có tour khách đạt tỷ lệ hơn 90%, thậm chí hết chỗ như đi Thái Lan, Hàn Quốc, Bali…
Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào dịp 2/9, khi một bộ phận không nhỏ khách chọn đi du lịch nước ngoài. Tour outbound phải chia sẻ thị phần với khách nội địa.
Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, lượng khách đi nội địa bất ngờ sụt giảm trong khi khách đi quốc tế lại tăng mạnh.
Cụ thể, 9 tháng năm 2023, tổng lượng hành khách thông qua các sân bay nội địa là 89 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách bay quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng tới 266,8%; khách nội địa chỉ đạt 65,2 triệu, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về du lịch dịp cao điểm Tết tới, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, nhu cầu đi du lịch trong nước là vẫn có, nhưng ông lo ngại khách sẽ cân nhắc đi nước ngoài. Họ sẽ có sự so sánh bởi Thái Lan không có Tết âm lịch, giá dịch vụ có tăng nhưng không nhiều. Còn du lịch nội địa, nếu giá vé máy bay cứ “trên trời”, dịch vụ lại hạn chế do nghỉ Tết, thì viễn cảnh người Việt lại đổ xô đi du lịch nước ngoài rất dễ tái diễn, du lịch Việt Nam lại “thua ngay trên sân nhà”.
Theo tiền lệ, việc tăng chuyến trước những dịp cao điểm lễ, Tết chắc chắn sẽ xảy ra. Theo các đơn vị lữ hành, hàng không cần có kế hoạch tăng chuyến sớm hơn, giá ổn định từ đầu với nguồn cung dồi dào. Điều này không chỉ để khách có kế hoạch sớm mà còn giữ uy tín của hãng, bảo vệ lợi ích của đối tác, trong đó có lữ hành.
Cần vai trò “nhạc trưởng”
Có nhiều lý do khiến du lịch Phú Quốc bị khách ‘xa lánh’ thời gian qua, trong đó có việc giá vé máy bay quá đắt. Để du lịch Phú Quốc quay trở lại thời điểm hưng thịnh như 2018-2019, tại một hội thảo về du lịch MICE mới đây, ông Phùng Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Saigontourist tại Hà Nội, góp ý, nếu không phối hợp được với hàng không thì không thể giải được bài toán đưa khách đến Phú Quốc.
Khách du lịch bị mua vé đắt, du lịch thiệt hại vì giá vé không ổn định
“Nhiều lần chúng tôi cùng với các DN lên tiếng yêu cầu hàng không thay đổi chính sách giá để Phú Quốc trở về thời kỳ hoàng kim, mới nhận được sự hứa hẹn từ giờ đến cuối năm và sang 2024 sẽ có nhiều chuyến bay, giá cả điều chỉnh phù hợp hơn”, ông Hoàng nói.
Hồi tháng 5, lãnh đạo UNBD tỉnh Kiên Giang đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để tìm cách hạ nhiệt giá vé, song theo ông Phạm Quang Hậu, tình hình vẫn không có nhiều biến chuyển.
Từ trường hợp Phú Quốc, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc, cho rằng, cần nghiêm túc học hỏi Thái Lan khi ngành du lịch nước này nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ “nhạc trưởng” là cơ quan Tổng cục Du lịch, cùng với sự nhất trí, đồng lòng của các đơn vị du lịch, hàng không, khách sạn, điểm mua sắm các cơ quan quản lý.
Đây là đầu mối liên kết giữa hàng không với khách sạn, các đơn vị cung cấp dịch vụ như vận chuyển, khu vui chơi,… từ đó giúp giảm giá vé máy bay, giá tour, kích cầu du lịch. Họ thu lại từ việc chi tiêu của du khách khi đến nước này. Thái Lan làm rất tốt và họ đã thành công.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Thái Lan có “nghệ thuật” thu hút khách mà Việt Nam chưa làm được, chưa kể còn thiếu sự liên kết, “mạnh ai nấy làm”, không có một chiến lược tổng thế. Như chuyện giá vé máy bay cao ngất ngưởng mỗi dịp cao điểm không chỉ gây thiệt hại cho ngành du lịch, thậm chí cho chính cả ngành hàng không, rộng hơn là nền kinh tế.
Do đó, câu chuyện du lịch Việt Nam cần có một “nhạc trưởng” lúc nào cũng cấp thiết, không bao giờ là muộn. Nói như ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cần xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một nhạc trưởng định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, dịch vụ du lịch phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường; định hướng cho các doanh nghiệp cùng lên, cùng xuống, cùng hòa ca để có một “dàn đồng ca” hay nhất.
Tháng 4/2023, Chính phủ Thái Lan xem xét chính sách trợ cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay đến các điểm đến ít phổ biến để kích cầu du lịch. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang đưa ra các biện pháp khuyến khích để các hãng hàng không trả lại “slot bay” nếu không thể khai thác để phân bổ lại, giúp tăng tần suất, giảm giá vé máy bay. Tháng trước, nước này lên kế hoạch mua một số chỗ trống của lực lượng không quân tại các sân bay để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của các hãng hàng không nhằm thúc đẩy du lịch. Thái Lan còn trợ giá qua vé máy bay để kích cầu du lịch. Năm 2020, Chính phủ Thái Lan trợ giá 2 triệu vé máy bay, mức 70 USD/người. Du khách mua vé khứ hồi được trợ giá không quá 1.000 baht (30 USD) mỗi vé. Một gói trợ giá khác với tổng số tiền 722 triệu USD cũng được Chính phủ Thái Lan thông qua vào tháng 6/2020. Trong đó, trợ giá 5 triệu đêm lưu trú đối với khách sạn và 40% giá đối với phòng nghỉ bình thường với mức trợ giá tối đa 100 USD mỗi đêm. Malaysia cũng bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kích cầu để tăng cạnh tranh về du lịch, khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này đã kêu gọi các hãng hàng không trong nước điều chỉnh hoặc giảm giá vé máy bay cho mùa lễ hội sắp tới để phục vụ nhu cầu và phúc lợi của người dân. |
Nguồn: vietnamnet