Ngứa là lời than phiền thường gặp của bệnh nhân da liễu, tuy nhiên có khoảng 8% bệnh nhân bị ngứa mạn tính nhưng không có biểu hiện nào trên da, gây bối rối và khó khăn cho bác sĩ da liễu.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám vì ngứa tái phát - Ảnh: X.MAI

Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám vì ngứa tái phát 

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Diễm Trinh – khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho hay ngứa là than phiền thường gặp của bệnh nhân da liễu.

Hầu hết khi người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu ở da thì thường tìm đến bác sĩ da liễu đầu tiên. Các bác sĩ chuyên khoa da liễu cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử trí và điều trị ngứa.

Tuy nhiên có khoảng 8% bệnh nhân bị ngứa mạn tính nhưng không có bất kỳ sang thương da nguyên phát nào, gây bối rối và khó khăn cho các bác sĩ da liễu.

Đặc biệt là ngứa mạn tính do tâm thần – tâm lý, là khái niệm chưa thực sự quen thuộc đối với bác sĩ da liễu, do đó có thể gây chậm trễ điều trị và chẩn đoán.

Điển hình như một bệnh nhân nữ, 30 tuổi, nhập viện vì ngứa và có nhiều vết loét rải rác khắp người. Bệnh nhân khai đã mắc bệnh khoảng hai năm nay. Ban đầu, tình trạng ngứa chỉ tập trung ở hai chân, đi kèm với các vết loét da, đóng mài.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm da cơ địa nhưng điều trị không giảm. Tình trạng ngứa và loét da lan khắp người. Bệnh nhân có tiền căn bị đái tháo đường khoảng 8 năm nay, nhưng tự bỏ điều trị khoảng một năm nay.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giảm cảm giác sờ chạm và giảm cảm giác nhiệt ở hai chân, phù hợp với tình trạng bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc chứng rối loạn lo âu.

“Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường cùng rối loạn lo âu thúc đẩy bệnh nhân cào gãi và móc da, tạo thành các vết loét trên da”, bác sĩ Trinh kết luận.

Làm sao để biết ngứa mạn tính do thần kinh, tâm thần – tâm lý?

Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Trinh cho hay đối với mọi trường hợp ngứa mạn tính thì bước đầu tiên là khám da toàn diện và cẩn thận để tìm các sang thương da nguyên phát, tập trung kỹ hơn ở vùng da bị ngứa.

Nốt sần đóng thành mảng lớn trên bề mặt da của một bệnh nhân bị ngứa nặng về đêm và sáng sớm - Ảnh: X.MAI

Nốt sần đóng thành mảng lớn trên bề mặt da của một bệnh nhân bị ngứa nặng về đêm và sáng sớm 

Trong trường hợp bệnh nhân ngứa nhưng không có bất kỳ tổn thương da nào thì bước tiếp theo các bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm máu tổng quát để loại trừ các nguyên nhân bệnh nội khoa – hệ thống gây ngứa ví dụ như: xơ gan ứ mật, suy thận mạn, cường giáp…

Khi các cận lâm sàng không tìm thấy một bất thường nào, tiếp theo chúng ta cần nghi ngờ ngứa mạn tính do nguyên nhân tâm thần kinh và tìm các dấu hiệu gợi ý, cụ thể:

– Ngứa do thần kinh: ngứa thường khu trú, đi kèm tình trạng dị cảm, mất cảm giác nhiệt/sờ chạm… cơn ngứa xảy ra kịch phát, giảm khi chườm mát.

– Ngứa do tâm thần – tâm lý: cơn ngứa trùng lặp với các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống, ngứa tăng lên về đêm. Bệnh nhân có tiền căn mắc các rối loạn tâm thần hoặc sử dụng chất kích thích.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ngựangứa mạn tính

Các tin liên quan đến bài viết