Xe tắt máy, ắc quy vẫn có thể chập điện gây ra tia lửa và cháy. Dù tình huống vô cùng hy hữu nhưng không phải là không thể xảy ra.
Nguyên nhân vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ đêm 12/9 đã khiến 56 người tử vong và hàng chục người bị thương đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra đưa ra kết luận hôm nay (20/9).
Theo đó, nguyên nhân được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn.
Sau khi chập mạch điện ắc quy, lửa đã cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quay dẫn đến vụ việc trên.
Một chiếc xe máy cháy trơ khung trong vụ hỏa hoạn tại chung cư mini thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Với nguyên nhân trên, nhiều người đã không khỏi “giật mình” bởi vẫn nghĩ rằng xe máy đã tắt khoá điện, để một chỗ trong khu vực tầng 1 tương đối mát mẻ thì không thể tự bốc cháy được.
Trao đổi với VietNamNet về việc này, kỹ sư điện Dương Văn Thành cho rằng, việc ắc quy xe máy chập mạch rồi tự phóng điện, gây ra tia lửa và cháy là vô cùng hy hữu nhưng không phải là không thể xảy ra.
Theo kỹ sư Thành, chập mạch điện ở ắc quy có nhiều nguyên nhân, nhưng đa số là do bình ắc quy đó đã sử dụng lâu ngày, đầu cực đã bị ô xy hoá dẫn tới hiện tượng mô-ve, phóng điện gây cháy lan sang IC, dây điện và các bộ phận nhựa, cao su khác của xe. Ngay cả khi tắt khoá điện thì hiện tượng phóng điện của ắc-quy vẫn xảy ra.
Ngoài ra, có nguyên nhân nữa đến từ dây dẫn của bình ắc quy. Vì một lý do nào đó hai dây âm và dương bị đoản mạch, sinh nhiệt, có thể bắt vào các vật dụng xung quanh dễ cháy khác.
“Với xe máy hay ô tô, các nhà sản xuất xe đều tính tới việc đoản mạch này và có trang bị một thiết bị bảo vệ đó là cầu chì, khi chập điện sẽ gây quá dòng, làm đứt cầu chì. Tuy nhiên, với nhiều xe máy cũ đã thay cầu chì bằng loại khác, hoặc độ chế, nối tắt,… thì trang bị bảo vệ này bị vô hiệu hoá”, kỹ sư Thành phân tích.
Cùng quan điểm như trên, chuyên gia Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) cho rằng, không chỉ xe điện hay xe xăng, xe tay ga hay xe côn,… mà bất cứ phương tiện cơ giới nào cũng có thể bị chập mạch ở hệ thống điện khi người sử dụng không thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
“Đa phần người Việt có thói quen chăm chút xe khi còn mới, còn khi xe đã cũ thường không để ý đến bảo dưỡng. Việc chăm sóc xe là cần thiết để đảm bảo an toàn, vận hành trơn tru, tránh sự việc đánh tiếc xảy ra. Bảo dưỡng xe là câu chuyện dài, không chỉ bảo dưỡng khi xe mới mà càng cũ càng cần được chăm sóc để nâng cao tuổi thọ, tránh chập hệ thống điện gây cháy”, anh Hải Kar nói.
Ắc quy ô tô xe máy sau một thời gian sử dụng rất dễ bị ô xy hoá, dẫn tới nguy cơ cháy nổ cao
Trên thực tế, việc bảo dưỡng các loại xe máy cũ vẫn chưa được người dân thực sự quan tâm.
Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm sửa các loại xe máy tại phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), anh Trương Việt Phương cho biết, đa số người dân hiện nay rất thờ ơ với việc bảo dưỡng xe máy, đặc biệt là các chị em phụ nữ, chỉ chỉ đi sửa xe khi xe không đi được nữa, rất ít khi đi bảo dưỡng, thay thế phụ tùng định kỳ.
“Ắc quy được mọi người liệt vào danh sách ‘khi nào hỏng mới thay’, còn vẫn đề lên được là chưa thay. Có những khách hàng đến cửa hàng của tôi đã sử dụng 1 bình ắc-quy đến 4-5 năm, hai cực sùi bọt trắng lên mà vẫn cứ đi. Chúng tôi tư vấn thay cho an toàn thì lại bảo ‘làm tiền’, rất khó hiểu”, anh Phương nói.
Cũng theo người thợ sửa xe máy này, với các xe máy tay ga như Honda Lead, AirBlade, SH Mode,…thường đặt ắc-quy ở phía trước, sau tấm “mặt nạ” ngay đầu xe. Vị trí này ắc quy dễ tiếp xúc nhiều với không khí, nước mưa,… nên nhanh bị ô xy hoá hơn đối với các xe đặt ắc quy ở giữa. Chính vì vậy, người dùng cũng nên kiểm tra thường xuyên bộ phận này hơn.
Với những chiếc xe máy cũ càng cần phải bảo dưỡng thường xuyên, nhất là các bộ phận điện, ắc quy.
Để hạn chế việc cháy xe, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho người sử dụng là thường xuyên bảo dưỡng xe, nhất là các bộ phận như dây điện, ắc quy. Nên thay ắc quy định kỳ khoảng 2 năm/lần và không nên sử dụng quá 3 năm.
Ngoài ra, việc độ chế các thiết bị điện lên xe máy như còi, đèn, các phụ kiện không rõ nguồn gốc xuất xứ,… sẽ khiến ắc quy nói riêng và hệ thống điện nói chung bị ảnh hưởng, nhanh xuống cấp và tăng nguy cơ chập cháy trong quá trình sử dụng.
Nguồn: vietnamnet