Tim mạch, phổi mạn tính, ung thư, tiểu đường ước tính gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Nhóm bệnh này đang chiếm hơn 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Thông tin trên được chia sẻ trong Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, do Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì tổ chức ngày 20/9.
Tại hội thảo, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho hay bệnh không lây nhiễm là những loại bệnh mạn tính, diễn tiến âm thầm, không có căn nguyên cụ thể nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ.
WHO xác định 4 loại bệnh không lây nhiễm chính gồm bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mạn tính. Bốn căn bệnh trên gây ra gánh nặng bệnh tật cũng như tổn thất lớn nhất, có nguyên nhân chung liên quan đến hành vi. Đến năm 2018, bệnh tâm thần được bổ sung vào nhóm bệnh không lây nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO chia sẻ tại hội thảo.
Theo bác sĩ Lâm, năm 2018, khoảng 36 triệu ca tử vong trên thế giới do bệnh không lây nhiễm. Đáng chú ý, hơn 14 triệu ca trong đó là tử vong sớm. Các nước đang phát triển chịu gánh nặng rất lớn từ thực tế này.
“Hút thuốc lá, tăng huyết áp, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý… là những yếu tố có thể phòng tránh của bệnh không lây nhiễm. Loại bỏ các yếu tố này sẽ cứu được rất nhiều người”, ông Lâm nói.
Chuyên gia của WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, năm 2020, ước tính bệnh không lây nhiễm đã khiến nền kinh tế thế giới tổn thất 47.000 tỷ USD. Trong đó, các bệnh tim mạch, phổi mạn tính, ung thư, tiểu đường gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ USD, còn lại là bệnh tâm thần kinh.
Tại hội thảo, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan trong nỗ lực phòng ngừa, dự phòng bệnh không lây nhiễm. Không chỉ là gánh nặng về sức khoẻ, bệnh không lây nhiễm còn gây ra những thiệt hại khổng lồ về kinh tế.
Bà Angela Pratt dẫn chứng, hàng năm, thuốc lá gây thiệt hại ước tính khoảng 4,5 tỷ USD. Thuốc lá cũng là sản phẩm tiếp cận rất dễ dàng và khiến một nửa số người sử dụng nó tử vong.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ thuốc lá và các sản phẩm không lành mạnh cho sức khoẻ (rượu bia, đồ uống có cồn…) là tăng thuế.
Bệnh nhân ung thư được điều trị tại TP.HCM.
“Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá bắt đầu giảm mặc dù chưa nhiều. Tôi xin chúc mừng Chính phủ và các cơ quan đã nỗ lực trong thời gian qua để đạt được kết quả này. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn phải nỗ lực hơn nữa để có thể cứu được nhiều mạng người hơn nữa”, bà Angela nói.
Theo các chuyên gia y tế, tại Việt Nam, một “đại dịch” đã tồn tại và đang phát triển mạnh là các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế.
Nguồn: vietnamnet