Những đoạn video khoe kiếm tiền tỉ, tiền trăm triệu khi còn là sinh viên thu hút hàng ngàn lượt xem. Xem xong các clip này, không ít sinh viên cảm thấy áp lực và hoài nghi về năng lực bản thân.
Các clip chia sẻ cách kiếm tiền trăm triệu, tiền tỉ ở tuổi đôi mươi
“Mình đã kiếm 1 tỉ trước tuổi 20 như thế nào?”, “Mình làm gì để có thu nhập 20 triệu/tháng khi còn là sinh viên?”, “27 tuổi mình đã có nhà, có xe từ công việc kinh doanh online như thế nào?”… là những dòng tít hấp dẫn của một loạt video tràn lan YouTube, TikTok mà những người sáng tạo nội dung kể về hành trình thành công của mình.
Cách “làm giàu” rất đa dạng, từ bán hàng online, đầu tư chứng khoán, kinh doanh…
Làm giàu không khó?
Tài khoản TikTok có tên “Q. thích kinh tế” làm một video chủ đề “Mình đã kiếm được 100 triệu như thế nào ở tuổi 16?”.
Trong clip, N.Q., sinh năm 2004, thuật lại hành trình kiếm tiền từ khi còn 16 tuổi, bắt đầu bằng việc bán đồ cá nhân không dùng tới. Rồi Q. tích góp thêm tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán. Sau sáu tháng theo dõi những bảng điện tử xanh đỏ, đến tháng 12-2020, Q. cho biết thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Video nhận được hàng ngàn lượt bình luận trên mạng xã hội.
Một tài khoản khác có tên L.M.L. cũng đăng một clip TikTok tựa đề “Mình đã kiếm 1 tỉ vào 25 tuổi như thế nào? Muốn thành công phải trả giá”.
Trong video, chủ tài khoản chia sẻ những thói quen mình thường duy trì để kiếm 1 tỉ ở tuổi 25, chẳng hạn đọc sách mỗi ngày, làm việc không lương, nhiều đêm không ngủ, khởi nghiệp kinh doanh, xây dựng thương hiệu cá nhân, tìm người thầy, học marketing và bán hàng…
Bên cạnh bài đăng này, tài khoản L.M.L. còn làm nhiều clip chia sẻ những nội dung liên quan đến các khóa học làm giàu, kiếm tiền từ Internet.
Động lực thành… áp lực
Xem các clip “làm giàu”, nhiều sinh viên cho biết ban đầu có cảm giác ngưỡng mộ, được truyền động lực nhưng càng xem nhiều lại càng thấy áp lực.
Bạn Phạm Hoàng Nhật Minh Tâm – sinh viên năm ba Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM – tâm sự: “Mới đầu thì mình cảm thấy khá tò mò, tại sao các bạn còn trẻ mà lại thành công sớm như vậy? Khi càng ngày càng xuất hiện nhiều dạng nội dung như vậy thì lại cảm thấy khá áp lực, bởi cứ lên mạng xã hội là bắt gặp những người bạn đồng trang lứa thành công, trong khi bản thân mình chưa có thành tựu gì đáng kể”.
Minh Tâm chia sẻ trong khoảng thời gian học ĐH, bạn được bố mẹ chu cấp hằng tháng. Thời gian rảnh, bạn đi dạy vẽ kiếm thêm khoảng 800.000 đồng/tháng. Với lịch trình học tập dày, Tâm không có thời gian để làm thêm các công việc khác. Vì thế, mỗi khi lướt mạng gặp những sinh viên “nhà người ta” kiếm được thu nhập khủng, Minh Tâm đôi lúc tự hỏi: Tại sao các bạn có đủ năng lực và thời gian để có thể thành công khi tuổi còn quá trẻ như vậy?
Trong khi đó, Cao Thị Trà My – sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – tâm sự mỗi khi xem các clip trên, bạn thấy hơi chạnh lòng. Trà My hiện đang làm gia sư dạy môn vật lý, thu nhập mà cô kiếm được là 200.000 đồng cho một buổi dạy, tổng thu nhập mỗi tháng là 1,6 triệu đồng.
Cần nhất là kế hoạch cho bản thân
ThS Nguyễn Hải Trường An, phó trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, nhận định nhiều clip “hướng dẫn thành công” trên mạng xã hội thường có thời lượng ngắn, đôi khi chỉ 1-2 phút và đi theo hướng khai thác sự tò mò của người xem hơn là truyền động lực. Các clip cũng được xây dựng sao cho dễ bắt xu hướng (trend) nhất.
Theo bà An, nếu để ý sẽ thấy các clip này rất ít khi đưa ra những lời khuyên hoặc hướng dẫn những phương pháp cụ thể cho người nghe có thể học hỏi.
Thay vào đó, các clip thường điểm qua những chi tiết có phần hào nhoáng trong câu chuyện “làm giàu”. Các cách thức vượt qua khó khăn, trở ngại trên con đường thành công của các bạn cũng ít được đề cập.
Bà An cho rằng ĐH là khoảng thời gian các bạn trẻ chập chững những bước đầu tiên trong sự nghiệp. Con đường phía trước còn rất dài và mỗi người sẽ có những hướng đi riêng với những mục tiêu riêng. Vì thế, thay vì tự ti vì các clip trên, các sinh viên nên suy nghĩ về những mục tiêu mà mình mong muốn cho sự nghiệp sau này và đưa ra được những kế hoạch để đạt được các mục tiêu ấy.
Các kế hoạch cần phải đối chiếu với những gì bản thân các bạn đang có – về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đôi khi cả tài chính – để xem mình còn đang thiếu sót những gì. Khi đã biết mình thiếu sót những điểm nào, sinh viên sẽ đi tìm cách để bù đắp, có thể từ sách vở, từ trường lớp, gia đình, từ các cố vấn (mentor).
Trong khi đó, ThS tâm lý – diễn giả Nguyễn Phước Cát Phượng cho rằng mỗi bạn trẻ dùng mạng xã hội có quyền cân nhắc và lựa chọn nội dung. Nên chủ động tiếp nhận những nội dung có ích, không nên tiếp nhận một cách thụ động.
“Khi ý thức được rằng những gì mình đang tiếp nhận là thực phẩm dành cho tâm hồn thì chúng ta sẽ có thái độ nghiêm túc khi lựa chọn “thực phẩm” hơn” – bà Phượng nói.
Thử đến những buổi hội thảo
Bạn Mỹ Trinh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cảm nhận độ xác thực trong các clip “làm giàu” trên các trang mạng xã hội, nhất là TikTok, cần được đặt dấu hỏi bởi khó lòng có thể kiểm chứng. Trinh cho biết mình nếu có lướt thấy những clip này cũng chỉ xem cho biết chứ không tin tưởng hoàn toàn.
Từ trải nghiệm cá nhân sau gần bốn năm học ĐH, Mỹ Trinh cho rằng ở các trường hiện nay có khá nhiều kênh để người học có thể tiếp cận với những người nổi tiếng bằng những câu chuyện truyền cảm hứng thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm, workshop… Nội dung thường khá phong phú, đa dạng lĩnh vực.
“Mình thấy các trường ĐH đang đẩy mạnh tổ chức các buổi hội thảo, mời các chuyên gia trong và ngoài nước, trong giới học thuật hoặc trong doanh nghiệp đến trường để trò chuyện cùng sinh viên. Mình nghĩ đây là nguồn uy tín hơn để các bạn sinh viên có thể nghe được bài học giá trị từ những câu chuyện thành công” – Mỹ Trinh nói.
Nguồn: tuoitre.vn