Thầy cô giáo cũng cần biết công nghệ, cập nhật xu hướng để lồng ghép các nội dung sách giáo khoa vào thực tiễn đời sống mà học sinh – người trẻ đang quan tâm.
Giáo viên Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn (Q.5, TP.HCM) tập huấn sách giáo khoa lớp 4 theo chương trình mới
Thế giới luôn luôn vận động, nhiều cái mới đã được thay thế, nhất là khi công nghệ phát triển, cập nhật liên tục như hiện nay. Do vậy, thế hệ trẻ – học trò – cũng có những thay đổi khi tiếp thu kiến thức. Họ học mọi lúc mọi nơi, không chỉ ở trường ở lớp.
Tất nhiên, trường lớp chính quy, trong hệ thống giáo dục quốc gia sẽ là cơ sở chuẩn để đánh giá năng lực học sinh, khơi gợi những năng khiếu, khả năng riêng biệt để giúp các em định hướng tương lai, phát triển bản thân. Vì sự thay đổi của xã hội, công nghệ phát triển đa phương tiện nên việc dạy học cũng theo hướng này.
Thầy cô giáo cũng cần biết công nghệ, cập nhật xu hướng để lồng ghép các nội dung sách giáo khoa vào thực tiễn đời sống mà học sinh – người trẻ đang quan tâm.
Thực tế, có những thầy cô đã bắt được nhịp sống của học trò mình, đưa các “trend” đang thu hút các em vào bài giảng, tạo không khí mới lạ, thích thú cho người học. Khoảng cách thầy – trò rút ngắn thông qua việc bắt nhịp lối sống, cập nhật công nghệ và các mối quan tâm của các em. Học trò từ đó sẽ thấy thầy cô ở trường có hiểu mình, như một người bạn lớn, không phải là người… lạc hậu.
Muốn truyền tải một điều gì đó đến học trò thì trước tiên thầy cô “phải mặc chiếc áo của các em”. Hay nói cách khác, thầy cô phải hiểu người học để có thể đến gần học sinh hơn. Sử dụng công nghệ sành sỏi, ứng dụng công nghệ vào giáo án, bài giảng trực quan, sinh động với các video minh họa sẽ giúp thu hút hơn là đọc chép, nói “chay”. Bây giờ, các bạn trẻ rất nhạy với công nghệ, nếu thầy cô không cập nhật có thể sẽ khó thuyết phục được học trò của mình.
Chuyên môn sâu gắn liền với thay đổi phương pháp giảng dạy chính là cách đổi mới trong giáo dục mà mỗi người thầy phải tự nâng cao kỹ năng, công nghệ. Do vậy, có thể nói đây là thách thức của giáo viên nhưng cũng là cơ hội để người dạy năng động, sáng tạo vì sự thúc bách từ thực tế. Theo đó, người thầy cũng cần học để vững vai người truyền đạt kiến thức cho học trò.
Tấm gương làm mới của thầy cô thực ra cũng là bài học sâu sắc về tinh thần tự học, không ngừng học cho các em. Và câu chuyện học hành không chỉ là lời nói suông như trước mà minh chứng bằng chính sự chuyển vận tích cực của thầy cô giáo trong việc làm mới mình, nâng cao kỹ năng cần thiết trong môi trường hiện đại, công nghệ ngày càng thông minh theo hướng thay thế dần con người trong nhiều lĩnh vực.
Đổi mới giáo dục không phải chỉ là thay sách giáo khoa mới với kiến thức cập nhật mà phương thức giảng dạy, tiếp cận người học quan trọng hơn. Đâu đó có giáo viên cho diễn kịch lịch sử, để học sinh làm tiểu phẩm từ các tác phẩm văn học giúp học trò cùng thẩm thấu sự kiện, nhân vật. Đâu đó có giáo viên biến tiết học khô khan của môn giáo dục công dân bằng cách kể những vấn đề thời sự trên trang báo, từ đó đưa các vấn đề thuộc về pháp luật, đạo đức đến học sinh.
Không rập khuôn giáo án và luôn làm mới mình trong giảng dạy, cách thi cử, ra đề kiểm tra theo hướng gợi mở thay vì học thuộc lòng cũng giúp tư duy độc lập nơi người trẻ phát triển, hoàn thiện.
Nguồn: tuoitre.vn