Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và những thỏa thuận đạt được là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố thu hút đầu tư vào ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Trong ảnh: lớp học tại Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn TP.HCM - Ảnh: H.G

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố thu hút đầu tư vào ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Trong ảnh: lớp học tại Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn TP.HCM 

Tại buổi tọa đàm “Việt Nam – địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức vào đầu tháng 9-2023, ông Nguyễn Thắng Vượng – đại diện của vụ này cho biết Apple đã chuyển 11 nhà máy của họ vào Việt Nam.

Trong số 11 nhà máy đó có các nhà thầu lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ Apple Watch, tai nghe Airpod và các nhà cung ứng linh kiện như chip, kính, khung nhôm, cáp, bảng mạch…

Intel đã chọn Việt Nam vì một vài lý do sau: Đầu tiên, đó là sự ổn định về hệ thống chính trị. Thứ hai, trong khu vực châu Á, ngoài Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia có dân số đông, vì vậy lực lượng lao động tại đây rất dồi dào. Chưa kể dân số trẻ chiếm đa số nên họ rất đam mê và nhiệt huyết.
Ông Kim Huat Ooi (phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam)

Intel chọn “cắm rễ” ở Việt Nam

Trả lời báo Tuổi Trẻ gần đây, ông Kim Huat Ooi – phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam – đã khẳng định: “Nhiều quốc gia cũng đang bắt đầu trỗi dậy để thu hút các nhà đầu tư đến với nước họ. Nhưng Intel sẽ tiếp tục có mặt ở lại đây (Việt Nam – PV) vì hiệu quả kinh doanh và sản xuất của chúng tôi đều rất tốt. Chúng tôi muốn tiếp tục đầu tư và đây chắc chắn là điều Intel sẽ thực hiện”.

Ông Kim Huat Ooi cũng chia sẻ niềm tin: “Việt Nam hiện nay đã tiến rất xa. Không chỉ mỗi Intel mà các công ty đa quốc gia khác cũng đang hiện diện tại đây. Theo thời gian, tôi nghĩ số lượng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa”.

Cũng mới đây, ngày 8-8 Apple công bố thông tin người dùng tại Việt Nam đã có thể tích hợp thẻ ngân hàng vào ứng dụng Apple Pay để thanh toán bằng các thiết bị iPhone, Apple Watch, iPad và thậm chí là Macbook. Với Apple Pay, mọi người có thể dùng các thiết bị của Apple để thanh toán mọi thứ trong sinh hoạt hằng ngày bao gồm giao dịch tại nhiều cửa hàng bán lẻ lớn nhỏ, trong ứng dụng và trên web.

“Thanh toán không tiếp xúc đang dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống hằng ngày của khách hàng tại Việt Nam và chúng tôi rất vui mừng được mang Apple Pay đến Việt Nam cũng như cung cấp cho khách hàng một phương thức thanh toán dễ dàng, bảo mật và riêng tư trên các thiết bị của Apple” – bà Jennifer Bailey, phó chủ tịch Apple phụ trách Apple Pay và Apple Wallet, cho biết.

Trước đó vào tháng 5-2023, Apple cũng đã mở cửa hàng trực tuyến chính hãng đầu tiên tại Việt Nam, cho phép người Việt mua trực tiếp các sản phẩm chính hãng.

Cơ hội cho công nghiệp vi mạch Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Anh Thi – trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM – cho biết chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và những thỏa thuận đã đạt được là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.

Nói về sự chuẩn bị của Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Thi cho biết cách đây ít ngày đơn vị này đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP.HCM với mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch.

Để thu hút vốn FDI một cách có mục tiêu gắn với phát triển nội lực, Khu công nghệ cao TP.HCM lấy vấn đề chất lượng nhân lực là một trong những lợi thế thu hút đầu tư bởi các dự án công nghệ cao luôn đòi hỏi phải có nhân lực trình độ cao. Khi đã sẵn sàng các nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng, ông Thi kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư mục tiêu, tạo giá trị lan tỏa.

Theo ông Thi, hiện đơn vị này xác định rõ phân khúc thu hút đầu tư, đi sâu vào các công đoạn thiết kế, đóng gói… xoay quanh những nhà đầu tư “mỏ neo” hiện hữu như Intel. Ông cho rằng chúng ta cần củng cố chuỗi cung ứng của Intel thông qua việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, thu hút các nhà đầu tư mới từ Mỹ và các quốc gia khác nằm trong chuỗi cung ứng của Intel.

Tuy nhiên, ông Thi cũng lưu ý việc chúng ta cần cải thiện nhiều về môi trường đầu tư để thu hút và giữ chân các “đại bàng”, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.

“Thủ tục hành chính của chúng ta phải nhanh, bởi với các doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc. Riêng với các nhà đầu tư lớn, chi phí cơ hội của họ là rất lớn nên chúng ta phải tập trung cải thiện thủ tục, cần làm nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa và các chính sách cần sự ổn định”, ông nói.

Đối với quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực, ông Thi cho rằng chúng ta cần có các chính sách phi thuế quan để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư thông qua hỗ trợ phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Trong khi đó, ông Wade Cruse – nhà điều hành khu vực Đông Nam Á của Công ty Bain & Company (Mỹ) – cho biết Việt Nam và Ấn Độ đang là hai điểm đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo ông Cruse, các tập đoàn bán dẫn toàn cầu đều xếp Việt Nam ở vị trí nhất, nhì trong kế hoạch đầu tư của họ. Theo vị này, lợi thế thu hút đầu tư sản xuất bán dẫn của Việt Nam nằm ở hệ sinh thái dần hình thành tốt, nguồn nhân lực tài năng, kỹ thuật công nghệ và các công ty nhỏ phục vụ cho ngành vi mạch bán dẫn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công nghệ MỹIntel

Các tin liên quan đến bài viết