Làm ăn với những người thất tín, mua hàng không trả tiền… là nỗi ám ảnh kinh niên của những người kinh doanh. Điều đáng nói là dường như chúng ta chưa có một công cụ nào đủ mạnh để chấn chỉnh việc này.
Không ít vụ người mua, kẻ bán phải đưa nhau ra tòa, nhưng cho dù có thắng kiện thì việc thi hành án cũng “trần ai khoai củ”…
Quên cả tiền tỉ
Cuối tháng, chị N. – chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên về thiết kế, lắp đặt nội thất – phải chạy đôn chạy đáo xoay tiền để trả lương cho nhân viên. Chị than: “Khách hàng nợ tiền nhiều quá, đòi kiểu gì cũng không trả dù có hợp đồng đàng hoàng. Họ lần lữa, trốn tránh. Có người còn cãi cùn bảo hay em cho người tới tháo hết đồ ra đi, chị chưa xài gì hết còn mới nguyên nè”.
Có lần, chị N. đã làm đơn khởi kiện khách hàng ra tòa để đòi số tiền gần 200 triệu đồng. Nhưng rồi thấy một số công ty khác cũng từng kiện khách hàng ra tòa trần ai tới lui mới thắng kiện mà cuối cùng bản án vẫn không thi hành được, chị đâm nản. Công ty nhỏ xíu mà có thời điểm công nợ lên tới vài tỉ bạc.
Một chủ doanh nghiệp non trẻ khác là anh Nguyễn Văn D. (38 tuổi) cũng muôn vàn cay đắng. Từ một nhóm thợ, anh làm cẩn thận, uy tín nên dần phát triển lên thành công ty xây dựng, nhận được nhiều công trình. Nhưng mới đây gặp lại, anh cho biết công ty phá sản, anh còn phải về mượn tiền họ hàng để trả lương cho thợ vì có mấy khách hàng lớn không chịu trả tiền. Anh khởi kiện nhưng cũng không đòi được.
Có một điều tình cờ là trong những vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được đưa ra giải quyết ở tòa án, có nhiều vụ xảy ra trong ngành nội thất.
Tháng 6-2023, TAND TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) xử vụ Công ty T. kiện Công ty N. về việc hai bên thỏa thuận mua bán ván MDF các loại. Dù chỉ thỏa thuận miệng, việc giao hàng được hai bên xác nhận đầy đủ qua phiếu giao hàng, nhưng bên mua chỉ thanh toán hơn 759 triệu đồng, còn lại 1,5 tỉ đồng không chịu trả. Chứng cứ đầy đủ, bên bán thắng kiện, tòa buộc bên mua phải thanh toán 1,5 tỉ đồng tiền nợ gốc và hơn 133 triệu đồng tiền lãi.
Cũng ở tỉnh Bình Dương, hồi tháng 5 TAND TP Tân Uyên xử một vụ kiện giữa hai công ty về mua bán vải không dệt. Công ty bán hàng đã phải nhờ đến công ty mua bán nợ để thu hồi tiền nhưng cũng không có kết quả. Đến khi gần hết thời hiệu khởi kiện (hai năm), họ mới nộp đơn khởi kiện. Bị đơn ra tòa chỉ đồng ý trả tiền gốc, không đồng ý trả tiền lãi. Nhưng tòa tuyên buộc bị đơn phải trả hơn 63 triệu đồng tiền gốc và cả hơn 12 triệu đồng tiền lãi cho nguyên đơn.
Khởi kiện là văn minh, nhưng…
Trong số các vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa như trên, phần lớn các yêu cầu khởi kiện đều được tòa chấp nhận. Vì giao dịch bán mua là có thật, bên bán cũng đưa ra đủ bằng chứng về thỏa thuận giữa hai bên, chứng minh được cả việc đã cung cấp dịch vụ, hàng hóa xong xuôi. Tuy nhiên, có không ít vụ việc mà tòa cũng muốn “bó tay” trước thái độ của bị đơn.
Tháng 4-2023, TAND quận Phú Nhuận xử một vụ mà bị đơn không nộp văn bản ghi ý kiến của mình và không đến tòa dù được triệu tập nhiều lần theo quy định.
Công ty này ký hai hợp đồng với một nhà cung cấp và thi công hệ thống cửa nhựa, cửa nhôm, vách kính cho các công trình thuộc tỉnh Long An. Hai bên đã ký biên bản bàn giao nghiệm thu, xác nhận công nợ đàng hoàng. Nhưng cuối cùng họ trả một phần, còn lại hơn 168 triệu đồng quyết không trả.
Ngày tòa xử, họ cũng không đến dù được triệu tập nhiều lần. Bản án tuyên phải trả 168 triệu cùng hơn 81 triệu đồng tiền lãi như “ném vào hư vô” vì bị đơn “không nghe, không thấy, không biết”.
Điều đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều vụ việc trong số các vụ kể trên hoàn toàn không có sự tham gia của phía bị đơn trong quá trình giải quyết.
Trước khi đưa nhau ra tòa, có công ty đã phải sử dụng dịch vụ mua bán nợ nhưng cũng không đòi được tiền. Khởi kiện thì “con nợ” không lần nào đến tòa.
Thắng kiện coi như đã đi được một bước, còn bước sau đó là thi hành án. Theo quy định, người được thi hành án và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện hoặc bị cưỡng chế thi hành án.
Ngoài ra, khi bản án có hiệu lực, kể từ ngày người được thi hành án nộp đơn yêu cầu tại cơ quan thi hành án, nếu người phải thi hành án không thanh toán thì hằng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định. Quy định là vậy nhưng thực tế việc thi hành án không dễ dàng…
Những vụ “quên” trả tiền phải kéo nhau ra tòa
– TP Cần Thơ: Tháng 5-2023, TAND quận Cái Răng xử vụ tranh chấp giữa hai công ty là nhà cung cấp vật tư xây dựng. Hai bên ký hợp đồng mua bán và bên bán đã giao hàng, xuất hóa đơn với tổng trị giá hàng hơn 900 triệu đồng. Bên mua thanh toán được hơn 866 triệu đồng, còn gần 61 triệu đồng không trả.
– Đồng Tháp: Một nhà thầu quyết không trả 144 triệu đồng tiền bê tông tươi cho đối tác.
– Thị xã Gò Công (Tiền Giang): Một người mua nguyên phụ liệu làm trà sữa hơn 170 triệu đồng, lấy hàng xong nhưng không chịu trả tiền cho người bán.
– Lào Cai: Một người xây nhà nợ tiền đá xây dựng hơn 112 triệu đồng, chủ cửa hàng phải nhờ tòa phân xử.
Nguồn: tuoitre.vn