Năm nay, hoa hồi ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh được mùa, người dân nhộn nhịp đi thu hoạch để bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tháng 9 cũng là lúc mùa thu hoạch hoa hồi tại huyện Bình Liêu bắt đầu vào vụ. Khắp các cánh rừng, thôn bản đều ngào ngạt hương thơm hoa hồi đã được thu hoạch rồi phơi khô.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, ông Dường Chống Nhì cho biết, thời điểm này người dân trên địa bàn xã đang tập trung thu hoạch hoa hồi. Vụ hồi năm nay, người dân xã Hoành Mô thực hiện thu hoạch từ cuối tháng 8. Đến nay, ước tính toàn xã thu hoạch được gần 100 tấn hoa hồi tươi.
Nếu hoa hồi vẫn giữ được giá tốt như hiện nay, việc thu hoạch hồi sẽ được đẩy nhanh hơn để hoàn thành vào giữa tháng 9.
Ông Dường Chống Thím (thôn Nà Pò, xã Hoành Mô) bên vườn hồi của gia đình.
Người dân xã Hoành Mô thu hoạch hoa hồi
Ông Nhì thông tin, hồi là loài cây thuộc loại gỗ nhỡ. Cây trưởng thành cao khoảng 10-15m, thân hồi thẳng, tròn, vỏ màu xám sáng, hoa lưỡng tính, quả phức có hình ngôi sao 5 đến 8 cánh.
Ở huyện Bình Liêu, cây hồi được trồng từ rất lâu đời, tập trung nhiều ở các xã Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô và thị trấn Bình Liêu, tổng diện tích khoảng 7.000ha. Cây hồi được trồng khoảng 16 năm là có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Trong đó, vụ Xuân tập trung vào tháng 2, tháng 3; vụ mùa vào tháng 9, tháng 10.
Đây là loại cây trồng đặc biệt phù hợp với những vùng có khí hậu mát mẻ, biên độ nhiệt dao động lớn giữa ngày và đêm, chính vì vậy chất lượng hoa hồi trồng ở Bình Liêu rất tốt. Nhờ đó, hoa hồi ở Bình Liêu thu hoạch đến đâu là được thu mua, xuất bán hết và mức giá cũng khá cao.
Hoa hồi ở huyện Bình Liêu rất sạch khi trồng tự nhiên, không phun thuốc.
Gia đình ông Dường Chống Thím (thôn Nà Pò, xã Hoành Mô) có khoảng 10ha cây hồi đang cho thu hoạch. Năm nay, cây cho hoa ít hơn năm trước, ước tính gia đình ông Thím thu hoạch được hơn 4 tấn, thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Cũng như gia đình ông Thím, gia đình ông Dương Cám Thìn (thôn Nà Pò) cũng có gần 10ha rừng hồi đang được khai thác.
“Gia đình tôi trồng rừng hồi này vài chục năm nay rồi. Thường thì cứ một năm cây hồi được mùa, cho nhiều quả, thì đến năm sau lại ít đi. Nhưng bình quân mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được trên 100 triệu đồng từ vườn hồi”, ông Thìn phấn khởi nói.
Cây thoát nghèo
Trưởng thôn Nà Pò ông Chíu Phúc Thành cho hay, toàn thôn hiện có hơn 90 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số.
Sau khi thu hoạch hoa hồi về, người dân đem phơi khô để bán cho thương lái
Những năm trước, đời sống của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo rất nhiều. Nhờ trồng hồi, quế, kết hợp cây dược liệu bản địa và phát triển rừng gỗ lớn, người dân đã vươn lên phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi đói nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, 1ha hồi trồng cho năng suất bình quân 1,5 tấn hoa. Với phương pháp chăm sóc tự nhiên của người dân là không sử dụng bón phân, không phun thuốc nên hoa hồi ở Bình Liêu rất sạch. Đây là những yếu tố giúp hoa hồi Bình Liêu được thị trường ưa chuộng.
Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu ước tính, năm 2022, sản lượng hoa hồi khô đạt 924,4 tấn. Dự kiến năm 2023, toàn huyện thu hoạch khoảng 1.000 tấn hoa hồi.
Hoa hồi khô được vận chuyển đến nơi tập kết, thu mua.
Cây hồi Bình Liêu không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống của bà con khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn góp phần phát huy giá trị bền vững từ rừng.
Đặc biệt, hoa hồi cũng là nguyên liệu quý để sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Trong y học, tinh dầu hồi là vị thuốc giúp giữ ấm cơ thể, trị đau bụng, chống cảm cúm, giảm đau nhức…
Để nâng cao giá trị cây hồi, những năm qua, huyện Bình Liêu đã chủ động triển khai các giải pháp. Theo đó, cùng với tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ trồng hồi thực hiện tốt việc chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng hoa hồi để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, cũng như năng suất, sản lượng hoa, huyện Bình Liêu còn quan tâm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm từ hồi, quế thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu và hướng tới phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Nguồn: vietnamnet