Cơ quan chức năng đã công bố những biện pháp cứng rắn để hạn chế tối đa SIM rác, thậm chí cả cấm các đại lý bán SIM cho người dùng. Nhưng SIM kích hoạt sẵn vẫn đang được mua bán dễ dàng.
Người dùng vẫn có thể mua SIM kích hoạt sẵn dễ dàng tại TP Thủ Đức (TP.HCM) vào trưa 8-9
Những ngày qua, trên lề đường ở TP.HCM xuất hiện nhiều điểm bán SIM di động với bảng quảng cáo đầy mãi lực: “SIM 4G 39k” (SIM 4G có giá chỉ 39.000 đồng).
SIM 4G rẻ hơn tô phở?
Chúng tôi thử ghé vào một điểm bán ven đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua phường Linh Đông, TP Thủ Đức). Đây là một “cửa hàng di động” thuộc hàng siêu gọn nhẹ chỉ với một biển quảng cáo “Điểm bán SIM 4G 39k – SIM số đẹp” treo, cột vào cây hoặc dựng đứng trên lề đường, một bạn trẻ ngồi gần đó.
Thấy có khách đến, người bán đeo túi xách tới, lấy trong túi ra vài xấp SIM để khách lựa chọn. Người bán giới thiệu: “SIM Vietnamobile gọi nội mạng miễn phí, ngoại mạng 400 phút, data mỗi ngày 5GB, xài thoải mái không lo nạp tiền, giá bán 100.000 đồng/SIM. SIM MobiFone gọi nội mạng miễn phí 1.000 phút, ngoại mạng miễn phí 100 phút, data mỗi ngày 4GB. Cước duy trì mỗi tháng 90.000 đồng, giá bán 220.000 đồng/SIM”.
Tôi hỏi về SIM 4G 39.000 đồng, người bán nhanh chóng lấy trong túi ra một xấp SIM khác của nhà mạng Vietnamobile và cho biết: “Đây là SIM trắng, chỉ có ưu đãi miễn phí gọi nội mạng, không có sẵn tiền trong tài khoản và cũng không được ưu đãi data. Mình mua về nạp tiền vô thì mới gọi được”.
Tôi nói có nhiều nơi khác cũng bán SIM 39.000 đồng nhưng có data 4G, người bán vội giải thích: “Loại SIM đó chỉ dùng được data mỗi ngày 1GB thôi”.
Khi hỏi về việc đăng ký SIM, người bán cho biết tất cả SIM đều được đăng ký sẵn thông tin người dùng, người mua chỉ việc đem về bỏ vô điện thoại và sử dụng ngay. “Số SIM này ông chủ đưa em đi bán. Ông chủ nói lấy SIM từ các cửa hàng”, người bán cho biết khi chúng tôi hỏi thêm về nguồn gốc số SIM kia.
Một loạt điểm bán SIM khác gần đó cũng có cách giới thiệu chào bán SIM tương tự. SIM giá rẻ cộng với được đăng ký kích hoạt sẵn dễ dàng thu hút những người muốn mua SIM rác nhanh gọn nhất.
Ngoài các điểm bán di động trên đường, các trang mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử vẫn mua bán SIM dễ dàng. Các bài viết quảng cáo dịch vụ bán SIM 4G giá rẻ cũng đầy trên mạng.
Các tài khoản quảng cáo thường rao bán nhiều loại SIM của nhiều nhà mạng khác nhau, có cả Viettel lẫn Vinaphone. Thậm chí có tài khoản còn mạnh dạn rao: “Bán SIM rác để lập tài khoản. SIM Vietnamobile mua từ 10 SIM giá 20k/SIM. SIM sóng Vinaphone 39k/SIM (bán từ 5 cái)”.
Trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Lazada, Shopee, Tiki…, việc tìm kiếm và mua bán SIM vẫn diễn ra bình thường, dễ dàng tìm thấy hàng chục người bán đủ các loại SIM của đầy đủ các nhà mạng di động tại Việt Nam, có cả các mạng di động ảo. Giá bán từ 10.000 đồng cho đến hàng triệu đồng, chưa tính phí giao hàng…
SIM rác mua bán trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức (TP.HCM) vào trưa 8-9
Nhà mạng ngăn chặn SIM rác thế nào?
Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao hiện còn tồn tại nhiều.
Theo quy định, mỗi người chỉ đăng ký được ba SIM. Nhiều người nghĩ đơn giản chỉ là đứng tên giùm, không biết rằng mình đã vô hình trung tạo ra SIM không chính chủ mặc dù kiểm tra, đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư là chính xác. Từ đó làm xảy ra thực trạng người thật, tên thật, địa chỉ thật nhưng SIM đứng tên xong lại được bán cho người khác. Cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng đứng tên hộ SIM chủ yếu liên quan đến các đại lý.
Bộ đã yêu cầu các nhà mạng chấn chỉnh tình trạng SIM không chính chủ và các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao từ ngày 10-9-2023. Như vậy, kể từ thời điểm 10-9, các đại lý từ lớn đến nhỏ sẽ không được bán SIM cho người tiêu dùng. Người dùng chỉ có thể mua SIM mới từ chính các cửa hàng của các nhà mạng hoặc các “kênh chuỗi uy tín” (có thể là các hệ thống bán lẻ lớn có liên kết với các nhà mạng như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS…?).
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các điểm bán SIM như trên cũng như nhiều cá nhân đang rao bán SIM trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử sẽ không được phép hoạt động nữa. Nhà mạng có thể bị xử phạt khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm.
Đến thời điểm này vẫn chưa thấy nhà mạng di động nào lên tiếng về việc thực thi cam kết này. Câu hỏi đặt ra là nhà mạng làm cách nào để ngăn các đại lý bán SIM cho người dùng.
Các đại lý đã và đang ôm số lượng lớn SIM từ các nhà mạng chắc chắn sẽ tìm cách tuồn SIM ra thị trường (và giờ có thể họ đang chia nhỏ ra cho các đại lý nhỏ hơn, thuê đội ngũ người bán hàng cá nhân trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và cả các điểm bán SIM trên đường…).
Nguồn: tuoitre.vn