Ngày 28-8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, với gạo 5% tấm đạt 638 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt 623 USD/tấn.
Đoàn ACIAR thăm nhà máy gạo của Tập đoàn SunRice (Úc) tại Lấp Vò, Đồng Tháp, ngày 10-8
Với tình hình trên, các chuyên gia đang chú trọng vào giải pháp tạo ra chuỗi giá trị gạo bền vững, cụ thể là thông qua hình thức đối tác công tư (PPP).
Đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Cần tập trung vào chất lượng gạo
Phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp xúc nhiều chuyên gia đầu ngành về lương thực trong chuyến thăm ĐBSCL do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tổ chức trong khoảng tuần đầu tiên của tháng 8.
GS.TS Võ Tòng Xuân đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả nông dân. Liên quan bối cảnh của Việt Nam, ông Xuân lưu ý khoảng cách giữa nông dân từ đồng ruộng cho tới cảng xuất khẩu, hoặc siêu thị, phải qua rất nhiều lớp “cò”, thương lái.
Trong khi đó, “đại đa số doanh nghiệp Việt Nam còn rất thụ động, chỉ có một số năng động biết đi tìm thị trường”, ông chỉ ra.
Vì vậy, ông Xuân cho rằng cơ quan chức năng cần tìm cách hỗ trợ nông dân trồng lúa có lợi tức cao hơn, cũng như tránh được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thông qua việc sắp xếp vùng nguyên liệu.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chính quyền và doanh nghiệp có thể phối hợp thiết lập vùng nguyên liệu áp dụng quy trình tiên tiến, đảm bảo sản xuất lúa gạo sạch, chất lượng và đạt an toàn thực phẩm. “Lo cho doanh nghiệp có nguyên liệu cũng là lo cho nông dân có đầu ra”, ông nhấn mạnh.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông David Whitehead, cố vấn cấp cao Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp ACIAR, cho rằng Việt Nam cần tập trung vào tiêu chuẩn chất lượng cao, đặc biệt là khả năng truy xuất nguồn gốc, để đáp ứng các thị trường khó tính.
“Điều đó thực sự quan trọng đối với người Úc. Họ rất ý thức về việc thực phẩm đến từ đâu, được xử lý như thế nào thậm chí cho đến tận khi sản phẩm đến tay họ”, ông nói.
“Tôi tin rằng Việt Nam không muốn bị tụt lại phía sau trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ tại Úc mà còn cả châu Âu và Mỹ, (Việt Nam) cần truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng và hệ thống quản lý – tiếp thị thật tốt”, ông Whitehead chia sẻ.
Bước tiến tại ĐBSCL
Vào ngày 3-8, đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực trong khu vực cũng như nhấn mạnh Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu.
Có thể thấy với hai “vựa gạo” lớn là Kiên Giang và An Giang, ĐBSCL đặc biệt quan trọng đối với tầm nhìn này.
Trong chuyến thăm ĐBSCL đầu tháng 8, Phó đại sứ Úc tại Việt Nam Mark Tattersall ví von ĐBSCL “có nghĩa là Việt Nam đối với thế giới bên ngoài”, thể hiện tầm quan trọng của khu vực này.
Ông Tattersall cũng nhìn nhận ĐBSCL đóng một vai trò rất lớn trong mối quan hệ giữa Úc và Việt Nam trong 50 năm qua.
Cũng trong chuyến thăm ĐBSCL, PGS.TS Hồ Thanh Bình, phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐHQG TP.HCM), đã giới thiệu về dự án ông đang làm điều phối: “Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL”.
Đây là dự án nghiên cứu mới kéo dài bốn năm do ACIAR và SunRice, tập đoàn sản xuất và kinh doanh lúa gạo lớn nhất của Úc, cùng đầu tư theo hình thức PPP.
Theo ông Bình, dự án trên đặt mục tiêu giúp các nông hộ nhỏ cải thiện tính bền vững trong sản xuất lúa gạo, cũng như kết nối họ với các thị trường xuất khẩu giá trị cao.
“Một điểm mới trong dự án này là doanh nghiệp tham gia sẽ xây dựng một thị trường có sẵn và sau đó mới giao kết hợp đồng với nông dân theo tiêu chuẩn và điều kiện nhất định”, ông Bình chia sẻ.
Dự án này cũng khuyến khích nhóm nông dân sản xuất lúa gạo áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững với các chỉ số đo lường thuộc bộ quy chuẩn canh tác bền vững (SRP).
Chứng kiến các hoạt động hợp tác đang diễn ra, ông Tattersall chia sẻ: “Chúng ta đang hợp tác theo những cách mới, bao gồm cả nghiên cứu nông nghiệp, cũng như hợp tác giữa khu vực tư nhân và các trường ĐH để nâng cao năng suất của nền nông nghiệp Việt Nam, đảm bảo rằng nền nông nghiệp này sẽ tạo ra thu nhập và sự thịnh vượng cho Việt Nam trong 50 năm tới”.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh An, trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam, đánh giá năng lực quản lý nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được nhiều sự tiến bộ và có triển vọng lớn.
“Theo truyền thống, ACIAR thường sẽ trao quyền cho một cơ quan nghiên cứu của Úc hoặc quốc tế để thay mặt ACIAR quản lý nghiên cứu. Thế nhưng gần đây ACIAR đã có hai dự án trao quyền cho các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam… Tôi tin tưởng năng lực quản lý nghiên cứu của Việt Nam đã có thể làm được trọng trách này”, bà An nói.
Ấn Độ tiếp tục siết xuất khẩu gạo
Theo Hãng tin Bloomberg, Bộ Thương mại Ấn Độ mới đây tuyên bố sẽ ấn định giá sàn là 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cho rằng biện pháp trên sẽ ngăn chặn một số thương nhân cố gắng buôn lậu gạo trắng đã bị cấm xuất khẩu trước đó thông qua hải quan dưới vỏ bọc là gạo basmati – loại gạo thơm đắt tiền hơn.
Bộ Thương mại Ấn Độ đưa ra quyết định trên sau khi nhận thấy giá xuất khẩu của loại ngũ cốc này biến động lớn. Điển hình, gạo basmati có lúc chỉ được bán với giá 359 USD/tấn, so với giá xuất khẩu trung bình là 1.214 USD/tấn trong tháng 8.
Nguồn: tuoitre.vn