Một số tin tức đáng chú ý: Siêu thị tăng gấp 2-3 nguồn cung gạo, cam kết giữ giá; Doanh nghiệp dệt may chưa hết khó; Nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng sau dịch; Đăng ký lưu hành thuốc gia công được rút ngắn thủ tục hành chính…

Nhiều thương hiệu gạo được đưa lên kệ hàng để người tiêu dùng lựa chọn trong siêu thị tại TP.HCM  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều thương hiệu gạo được đưa lên kệ hàng để người tiêu dùng lựa chọn trong siêu thị tại TP.HCM 

Siêu thị tăng gấp 2-3 nguồn cung gạo, cam kết giữ giá

Tin tức từ đại diện Saigon Co.op, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống vẫn đang ổn định. Thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn giữ và giảm giá gạo.

“Việc ổn định giá này hoàn toàn khả thi vì đơn vị có mạng lưới phân phối hơn 800 điểm bán trên toàn quốc, có kinh nghiệm bình ổn giá, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với nhà cung cấp gạo”, đại diện Saigon Co.op khẳng định.

Hiện hệ thống này vẫn chạy khuyến mãi cho nhiều sản phẩm gạo như gạo thơm thượng hạng Neptune vàng 4kg từ 204.000 đồng giảm còn 134.500 đồng/túi; gạo Japonica Neptune 5kg từ 162.000 đồng còn 134.500 đồng/túi…

Ngày 18-8, đại diện hệ thống LOTTE Mart cho biết đã phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để bình ổn giá các sản phẩm gạo.

Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi nhà cung cấp gạo đều có một sản phẩm nằm trong chương trình bình ổn giá và đang được bày bán tại 15 siêu thị của đơn vị trên toàn quốc.

MM Mega Market cho biết nhờ đã làm việc với nhà cung cấp nên nguồn cung gạo trong 3 tháng tới có thể tăng gấp 2-3 lần so với trung bình lượng bán trong 3 tháng gần nhất, đảm bảo không thiếu hàng. MM cam kết không tăng giá gạo trong tháng 8, thậm chí đang áp dụng khuyến mãi. Tuy nhiên, giá bán dự kiến trong tháng 9 sẽ tăng nhẹ do sức ép giá đầu vào.

Cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên cả nước.

Theo đó, tính đến 17-8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tỉnh Kiên Giang tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên để xuất khẩu đi Hàn Quốc trong tháng 8-2023 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tỉnh Kiên Giang tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên để xuất khẩu đi Hàn Quốc trong tháng 8-2023 

Trong đó dẫn đầu là TP.HCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân..

Đáng chú ý, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh.

Gạo là điểm sáng xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp dệt may chưa hết khó

Tin tức từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn này đều suy giảm doanh thu. Trong đó, phần lớn các đơn vị đều có mức suy giảm doanh thu trên 10% và suy giảm lợi nhuận trên 25%.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay đã xuất hiện nhóm 4-5 đơn vị chủ yếu trong ngành sợi rơi vào tình trạng báo động về tài chính và sản xuất kinh doanh, làm gia tăng áp lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 cho tập đoàn này.

Dự báo những tháng cuối năm 2023, dệt may vẫn rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Bên cạnh đó, khách hàng có thêm nhiều yêu cầu mới cao hơn, thời gian giao hàng gấp, đơn hàng nhỏ lẻ hơn, kéo dài thời gian thanh toán…

Nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng sau dịch

Báo cáo “Du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023″ vừa được Outbox Company công bố cho biết đến cuối tháng 6-2023, cả nước hiện có 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 77.895 buồng và 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.502 buồng.

Norfolk là khách sạn 30 năm tuổi ở trung tâm TP.HCM đã dừng hoạt động - Ảnh: NGỌC HIỂN

Norfolk là khách sạn 30 năm tuổi ở trung tâm TP.HCM đã dừng hoạt động 

So với cuối năm 2022, trữ lượng phòng lưu trú phân khúc từ 4-5 sao trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng thêm 6,2%.

Số lượng cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4-5 sao đã tăng 105 cơ sở (21,7%) so với năm 2019, còn số buồng phòng tăng hơn 25.116 buồng (25%).

Mặc dù trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nhiều khách sạn đặc biệt là phân khúc khách sạn 4-5 sao phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp, nhưng với sự phục hồi và tăng trưởng của các lượt khách nội địa lẫn quốc tế, đã có nhiều cơ sở lưu trú du lịch xếp hạng 4-5 sao được mở thêm ra.

Có sự phân hóa giữa các thành phố lớn. Phân khúc trung cấp chiếm tỉ trọng lớn nhất (38%) trong thị trường cung lưu trú tại Đà Nẵng.

Ở Nha Trang/Cam Ranh, các khách sạn nằm ở phân khúc cao cấp chiếm tỉ trọng nhiều nhất (47,2%). Dù là điểm đến lớn nhưng đa số khách sạn mới khai trương ở TP.HCM lại nằm ở phân khúc trung cấp và các phân khúc giá rẻ hơn. Trong khi đó Hà Nội lại ghi nhận sự gia tăng nhẹ của phân khúc cao cấp và hạng sang (1,9%).

Đăng ký lưu hành thuốc gia công được rút ngắn thủ tục hành chính

Tin tức từ Bộ Y tế cho biết vừa ban hành thông tư 16 quy định đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Người bệnh đang được cấp phát thuốc tại bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Người bệnh đang được cấp phát thuốc tại bệnh viện trên địa bàn TP.HCM 

Thông tư này quy định chung về đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam; hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ (thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu) tại Việt Nam.

Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hút hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tại Việt Nam.

Cụ thể, theo quy định mới, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý dược cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ. Trường hợp không cấp hoặc chưa cấp, Cục Quản lý dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong khi đó, theo quy định cũ tại nghị định 23 năm 2013 thì thời hạn này là 6 tháng.

Việc triển khai các quy định tại thông tư này cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc của Việt Nam được tiếp nhận các quy trình, công nghệ và kỹ thuật sản xuất thuốc tiên tiến, hiện đại, tận dụng tối đa năng lực sản xuất.

Đồng thời, bảo đảm sự chủ động trong việc sản xuất, cung ứng các thuốc, vắc xin, sinh phẩm có chất lượng cao.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh nghiệpTin tức tin tức sángxuất khẩu

Các tin liên quan đến bài viết