Ngày 11-8, Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết trong quý 2 kinh tế nước này đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nga ghi nhận tăng trưởng trong một năm qua.
Những người bán hàng rong bán rau củ quả ở thành phố Izhevsk (Nga) vào ngày 19-8-2022
Mặc dù Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Polina Kryuchkova khẳng định kinh tế Nga vẫn duy trì được hoạt động đầu tư ở mức cao, nhưng thực tế cho thấy sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây với Matxcơva vẫn rất đáng kể.
Vì sao đồng rúp mất giá?
Chỉ vài ngày sau thông tin trên, ngày 15-8 Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã nâng lãi suất thêm 3,5% (lên 12%) nhằm ngăn đà lao dốc của đồng rúp, khi đồng nội tệ của Nga đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 17 tháng.
Thậm chí CBR đã phải triệu tập cuộc họp khẩn ngay sau khi đồng rúp rớt giá kỷ lục, giao dịch ở mức khoảng 101 rúp đổi 1 USD vào chiều 14-8. Sau khi CBR công bố mức tăng lãi suất mới nhất, giá trị đồng rúp phục hồi khoảng 0,3%, giao dịch ở mức 98 rúp đổi 1 USD vào 8h37 sáng 15-8 (giờ địa phương).
Lần gần nhất CBR công bố đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào tháng 2-2022, với mức tăng 20% trong bối cảnh xung đột với Ukraine bùng phát.
CBR đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất cho vay còn 7,5% trong nửa sau của năm 2022 khi lạm phát hạ nhiệt phần nào. Đến tháng 7 vừa qua, CBR đã tăng lãi suất ở mức cao hơn dự kiến, thêm 1 điểm phần trăm lên 8,5%, khi đồng rúp yếu và áp lực lạm phát cao.
Các chuyên gia nhận định thâm hụt ngân sách và thiếu hụt lao động nghiêm trọng đã góp phần thúc đẩy áp lực lạm phát tại Nga trong năm 2023, song việc đồng rúp trượt giá nhanh chóng so với đồng USD đã buộc CBR phải có biện pháp cứng rắn hơn. Tuần trước, CBR thông báo sẽ ngừng mua ngoại tệ cho đến cuối năm để thúc đẩy đồng rúp và giảm biến động.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng các biện pháp như vậy vẫn chưa đủ để khắc phục tình hình. Nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics, London (Anh), ông Liam Peach, đánh giá đợt tăng lãi suất này chỉ tạm thời hạn chế những thiệt hại, song Matxcơva vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt cũng như dự trữ ngoại hối giảm.
Những chỉ dấu đáng lo
Những nhận định quan ngại của các chuyên gia là có bằng chứng rõ ràng. Theo báo cáo của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), trong 18 tháng qua, kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine, nước Nga đối mặt làn sóng di dân lớn nhất trong một thế kỷ qua với hơn 1 triệu người đã di cư qua các nước láng giềng.
Trong số đó có rất nhiều người trẻ, có các chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học, triệu phú… Theo phân tích của Công ty tư vấn FinExpertiza, lượng lao động trẻ dưới 35 tuổi ở Nga đã giảm đi 1,3 triệu người, mức thấp nhất kể từ thập niên 1990.
Trong khi Nga đang bị cô lập về kinh tế và hứng chịu khoảng 3.600 lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân và công ty từ Mỹ và 1.700 lệnh trừng phạt từ các nước châu Âu, việc thiếu lao động phổ thông, lao động lành nghề và những chuyên gia kỹ thuật cao trở thành một thách thức lớn đối với kinh tế Nga không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài.
Chảy máu tài chính cùng tài năng kinh doanh càng đáng lo hơn. Tháng 6 năm ngoái, Công ty Henley & Partners (trụ sở tại Anh) dự báo khoảng 15.000 triệu phú (chiếm 15% người Nga sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD) sẽ chuyển tới các nước khác. Đến tháng 6 năm nay, con số chính thức là 8.500 triệu phú và Henley & Partners tiếp tục dự đoán con số chuẩn bị rời Nga sẽ thêm khoảng 3.000 triệu phú nữa.
Việc các tỉ phú, triệu phú hoặc một số quan chức “chạy” ra nước ngoài sẽ kéo theo một hệ lụy khác là “chảy máu tài sản”, chắc chắn hàng trăm tỉ USD đã được chuyển ra nước ngoài. Thậm chí ngay cả khi vẫn ở trong nước thì tiền của họ đã nằm yên lành trong các ngân hàng Thụy Sĩ hoặc đầu tư vào các dự án ở nước ngoài nhằm tẩu tán tài sản.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo ngắn hạn của Nga, đăng trên Business Insider ngày 25-7, khoảng 239 tỉ USD giá trị tài sản đã bị rút khỏi Nga vào năm 2022.
Chảy máu chất xám
Việc các nhà khoa học rời Nga đã bắt đầu từ hàng chục năm trước chiến tranh, Hãng tin Interfax dẫn lời ông Valentin Parmon – phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAS) – mới đây cảnh báo về tình trạng chảy máu chất xám khi nước này mất hơn 50.000 nhà nghiên cứu trong 5 năm qua.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu thống kê và kinh tế tri thức tại Trường Kinh tế cao cấp ở Matxcơva, tổng số nhà khoa học ở Nga hiện đã giảm xuống mức thấp lịch sử là 340.100 người vào năm 2021, so với thời kỳ năm 1991 là 992.000 nhà nghiên cứu và sở hữu đội ngũ chuyên gia khoa học lớn nhất thế giới.
Chỉ tính riêng ngành công nghệ thông tin trong vòng một năm qua, theo tờ Washington Post, trong số 1 triệu người di cư đã có khoảng 100.000 chuyên gia công nghệ (chiếm 10% cả nước).
Nguồn: tuoitre.vn