Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần khẳng định như vậy, gần nhất là tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa ngày 14-8 và một ngày sau đó tại cuộc gặp gỡ giáo viên cả nước.

Nhiều phụ huynh, học sinh lúng túng trong chọn sách giáo khoa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều phụ huynh, học sinh lúng túng trong chọn sách giáo khoa 

Trước đội ngũ giáo viên cả nước, ông Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh: “Chương trình là thống nhất toàn quốc, sách giáo khoa (SGK) là học liệu – cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng SGK một cách chủ động, không lệ thuộc – đó là công cụ. Chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ SGK khác, các ngữ liệu khác, bài tập khác một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta”.

Ông Sơn còn khẳng định: “Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về SGK thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng”, vì qua thăm dò, nhiều giáo viên vẫn còn phụ thuộc vào SGK.

Vậy làm sao để có thể thực hiện được quyết sách đúng đắn “một chương trình, nhiều bộ sách” mà nghị quyết 88/2014/QH13 đã đề ra? Các nhà trường đã triển khai chủ trương này trên thực tế như thế nào? Các nước trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện nhiều bộ SGK ra sao?

* Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội): Cần đổi mới mạnh mẽ khâu kiểm tra, đánh giá

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên dạy học căn cứ vào nội dung chương trình, yêu cầu cần đạt của môn học để thiết kế kế hoạch dạy học. Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt các nguồn học liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học khác nhau để đảm bảo mục tiêu “phát triển năng lực, phẩm chất học sinh”.

Theo định hướng này, SGK chỉ là một tài liệu quan trọng trong số các nguồn học liệu khác nhau để sử dụng trong dạy học.

Điều này rất khác so với trước đây khi giáo viên chủ yếu căn cứ vào SGK để dạy học. Không chỉ lệ thuộc vào nội dung mà cả trình tự các bài học cũng áp dụng theo SGK.

Khi thực hiện chương trình mới, chúng tôi từng mời chuyên gia về trường tập huấn riêng cho giáo viên. Một trong những điều tôi nhận thấy từ chính giáo viên của mình qua đợt tập huấn đó là các thầy cô vẫn chưa thoát ra được suy nghĩ phải dạy đúng, dạy đủ SGK.

Nhiều giáo viên sợ bỏ sót nội dung nào đó trong SGK thì học sinh của mình sẽ bị thiếu, nếu trong các kỳ thi đề ra đúng vào phần đó thì học sinh của mình bị thiệt thòi. Một số giáo viên cũng nghĩ trình tự bài học trong sách thế nào phải làm theo đúng như vậy.

Tôi cho rằng để giáo viên thay đổi thì nhà trường phải chủ động có kế hoạch giáo dục nhà trường tổng thể và trong từng môn học. Căn cứ vào chương trình, mục tiêu của bộ, điều kiện dạy học, đối tượng học sinh…, mỗi môn học phải thiết kế lại.

Có thể trình tự bài học sẽ không giống như trình tự trong SGK, có những bài được thiết kế theo chủ đề đơn môn hoặc liên môn, có những bài học sinh không học trong lớp mà thực hành, tham gia dự án học tập, trải nghiệm…

Từ chương trình đó, các tổ bộ môn, giáo viên mới hình dung được nhiệm vụ và chủ động vận dụng các nguồn học liệu, phương pháp, cách thức dạy học để thiết kế bài giảng.

Thực tế hiện nay, tôi thấy rất nhiều giáo viên vẫn bám theo SGK để dạy và kiểm tra đánh giá. Điều này cho thấy việc truyền thông, công tác tập huấn giáo viên chưa đủ sâu rộng để giáo viên hiểu và thấm tinh thần đổi mới. Các nhà trường chưa tận dụng quyền tự chủ của mình để tạo môi trường đổi mới, hỗ trợ giáo viên đổi mới. Nếu điều này không được khắc phục thì cũng sẽ khó thay đổi được quan điểm sử dụng SGK mới.

Còn một điều khác, muốn các nhà trường, giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thay đổi thói quen lệ thuộc vào SGK thì việc đổi mới thi cử cần mạnh mẽ hơn, ví dụ như các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT…

Chương trình mới sắp bước vào năm thứ hai ở bậc THPT nhưng bộ chưa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một khó khăn cho các nhà trường khi triển khai các mục tiêu đổi mới.

Em Mai Thảo, học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM), được bà dẫn đi mua sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: DUYÊN PHAN

Em Mai Thảo, học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM), được bà dẫn đi mua sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới 

* Cô Lê Tuệ Minh (chủ tịch hội đồng trường Trường phổ thông liên cấp Edison): Nguồn học liệu đa dạng

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng theo hướng mở trên khung chuẩn năng lực và mục tiêu cần đạt. Theo đó, các nhà trường và các thầy cô giáo bám sát chương trình khung, yêu cầu năng lực cần đạt và có thể linh hoạt áp dụng các yếu tố về phương tiện và công cụ để triển khai tới học sinh một cách hiệu quả nhất sao cho đạt mục tiêu.

Trên cơ sở đó, nguồn học liệu đa dạng trong đó có các bộ SGK, cách thức dạy học, phương pháp dạy học, công nghệ thông tin và các ứng dụng… chính là các phương tiện và công cụ để có thể áp dụng linh hoạt.

Muốn phát huy được những ưu điểm của chương trình mới, các nhà trường, thầy cô giáo phải hiểu và xác định rõ mục tiêu cần đạt và có đủ năng lực để tận dụng quyền tự chủ được trao để thực hiện. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, chúng tôi đã dựa trên chương trình khung, mục tiêu, chuẩn năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và mục tiêu, định hướng, điều kiện đặc thù của trường và của học sinh.

Các môn học sẽ được thiết kế, phân phối thời gian hợp lý và có thể dạy theo chuyên đề giúp kiến thức được liền mạch, học sinh hiểu sâu kiến thức và dành nhiều hơn thời gian cho việc áp dụng các năng lực được học vào thực tế, thực hành, giải quyết vấn đề.

Ngay từ trước khi triển khai kế hoạch năm học mới, ban giám hiệu, ban chương trình và đào tạo của trường cùng với các tổ bộ môn trao đổi để có thể định hướng, xây dựng, cập nhật chương trình chi tiết triển khai bao gồm đầy đủ các yếu tố về mục tiêu cần đạt cũng như phân bổ thời lượng, nguồn lực để có thể tăng cường vận dụng phương pháp dạy học, đánh giá tích cực, đẩy mạnh dạy học dự án, dạy học kết hợp (blended learning) ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng mới… để có thể đạt được mục tiêu một cách tối ưu trong bối cảnh mới.

Chúng tôi đã bắt đầu làm điều này hằng năm từ trước cả khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên khi chương trình mới được áp dụng, toàn bộ đội ngũ không hề bỡ ngỡ và có thể triển khai ngay rồi liên tục cập nhật cho đến nay.

Khi đã xác định khung năng lực và các mục tiêu chung và mục tiêu riêng cần đạt cho học sinh, ngoài các bộ SGK khác nhau được Bộ GD-ĐT thẩm định, chúng tôi ủng hộ và tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp cận với các nguồn học liệu bản quyền tiên tiến và các khóa đào tạo tăng cường về phương pháp giảng dạy để giáo viên có thêm lựa chọn từ các nguồn học liệu đa dạng để thiết kế các hoạt động dạy học phong phú khác nhau.

Khi nhà trường đã có kế hoạch giáo dục chi tiết, có những mục tiêu yêu cầu cụ thể trong việc triển khai chương trình, phương pháp dạy học, tiêu chí đánh giá học sinh và giáo viên cụ thể thì giáo viên sẽ căn cứ vào đó để thực hiện nhiệm vụ thay vì chỉ tập trung vào một bộ SGK để giảng dạy theo sách một cách cứng nhắc mà sẽ có thể chọn học liệu trong bộ sách nào có phương pháp giảng dạy hay và cập nhật nhất.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa

Yêu cầu bảo đảm SGK và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện ngày 16-8, yêu cầu các bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm SGK và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024.

Về SGK, công điện nêu thời gian qua, việc biên soạn, lựa chọn, in ấn, phát hành SGK còn chậm. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành SGK bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành SGK.

Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm về việc rà soát công tác biên soạn lựa chọn, cung ứng, sử dụng SGK tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

Ngoài ra, khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11-8-2023 của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : sách giáo khoasách giáo khoa bộ

Các tin liên quan đến bài viết