Thông tin người tiêu dùng được hỗ trợ 1.000 USD/xe khi mua ô tô điện mới đây được nhiều người quan tâm, bắt nguồn từ đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Trạm sạc ô tô điện tại trung tâm thương mại Vincom Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM)
Để ô tô điện ở Việt Nam bắt kịp thế giới, vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ mạnh hơn với người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh môi trường ô nhiễm vì hoạt động vận tải, giao thông công cộng không phải một sớm một chiều hoàn chỉnh, nhiều ý kiến còn đề nghị nên có thêm sự hỗ trợ với cả xe máy điện.
Hào hứng nếu được hỗ trợ 1.000 USD/xe
Nhiều doanh nghiệp sản xuất xe cho rằng xe điện là xu thế nên không thể nằm ngoài cuộc. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đưa ba loại ô tô điện vào diện được hỗ trợ và ưu đãi phát triển.
Trong đó, ngoài giảm lệ phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt, người tiêu dùng còn được hỗ trợ 1.000 USD/xe.
Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp hoan nghênh, được xem là thiết thực trong thời điểm hiện tại nhằm kích cầu tiêu dùng chuyển dịch sang loại phương tiện mới trong tương lai.
Chẳng hạn, một hãng xe của Trung Quốc có sản phẩm xe điện sắp vào Việt Nam đang đẩy mạnh làm việc với các đối tác để mở bán sớm nhất sau khi đã thăm dò thị trường khá lâu.
Hãng này muốn tận dụng ưu đãi 100% lệ phí trước bạ để kích cầu và hy vọng vào khoản hỗ trợ 1.000 USD/xe để tự tin hơn trong việc ra quyết định.
Về phía người tiêu dùng, anh Thanh Sơn (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng đề xuất hỗ trợ 1.000 USD/xe, tương đương khoảng 23,5 triệu đồng, đang được người dân quan tâm theo dõi bởi đây là sự hỗ trợ cần thiết để người dân đưa ra quyết định mạnh hơn khi đứng trước hai lựa chọn xe điện hay xe xăng.
“Ngoài việc hỗ trợ 1.000 USD/xe nên áp dụng sớm, tôi mong muốn trạm sạc được phủ khắp. Hiện nay, mua xe điện chỉ đi ở thành phố, về các tỉnh vẫn còn rất ít địa điểm để sạc” – anh Sơn nói.
Trong khi đó, chị Thu Yến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cũng bày tỏ sự quan tâm chính sách hỗ trợ xe điện, giá xe giảm hơn và không quên nói về xe máy điện để phù hợp nhu cầu.
“Tôi có con gái chuẩn bị vào đại học ở TP.HCM nên có nhu cầu mua xe máy. Ô tô điện có chính sách hỗ trợ nhiều nhưng xe máy điện thì chưa thấy. Nếu có chính sách hỗ trợ cho xe máy điện, tôi cho rằng giá sẽ giảm mạnh hơn và tôi sẵn sàng mua ngay” – chị Yến nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tiến Đạt – giám đốc điều hành Công ty thiết bị và giải pháp sạc điện EVS – cho rằng chính sách hỗ trợ 1.000 USD/xe là tín hiệu quan trọng, thu hút sự quan tâm của khách hàng chuyển đổi xe xăng sang xe điện.
Ở các nước, bằng nhiều chính sách trong đó có hỗ trợ giảm giá cho người dân mua xe điện, đã thúc đẩy sự chuyển dịch diễn ra nhanh.
Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất nhiều chính sách để khuyến khích người dân chuyển sang ô tô điện
Cần chính sách toàn diện cho xe điện
PGS.TS Lý Hùng Anh (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng ngoài hỗ trợ 1.000 USD/xe ô tô, vẫn cần nhiều chính sách đồng bộ khác để thúc đẩy xe điện.
Đó có thể là các chủ trương như hỗ trợ vay vốn, tiếp cận tín dụng, trợ giá khác với người mua xe điện…. Các hỗ trợ này cần được triển khai đồng bộ, thống nhất để người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Về kinh nghiệm ở các nước hỗ trợ phát triển, các chuyên gia nhận định chính sách trợ giá có hiệu quả nhanh chóng nhất, đó là trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất và trợ giá cho người mua xe.
Điều này đã được thực hiện thành công tại các quốc gia như Mỹ, EU, thậm chí ngay tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan.
Quốc gia này trợ cấp thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện tùy thuộc giá bán lẻ và dung lượng pin, với mức trợ cấp từ 1.880 – 3.880 USD/xe.
Trong khi đó, châu Âu còn thực hiện các chính sách ưu tiên dành cho xe điện khi lưu thông trong đô thị như miễn giảm phí đỗ xe, phí vào nội đô… Mức trợ giá tùy theo quốc gia nhưng rõ ràng đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng.
Là doanh nghiệp đầu tư hệ thống trạm sạc pin xe điện, ông Huỳnh Tiến Đạt cho rằng tuy xe điện là xu hướng nhưng hướng đầu tư vẫn chưa thật sự dễ dàng.
Muốn phát triển xe điện thì hạ tầng phải đi trước. Hiện nay trạm sạc điện vẫn mạnh ai nấy đi, chưa đồng bộ.
Thêm vào đó, cần những chính sách hỗ trợ ngay từ đầu. Ông Đạt nêu ví dụ trước đây có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng khi người dân sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời góp phần tiết kiệm điện đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, với xe điện cũng như vậy.
Ngoài chính sách hỗ trợ 1.000 USD/xe, các doanh nghiệp cũng đề xuất một số chính sách cụ thể như bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất lắp ráp pin phục vụ cho xe ô tô điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp ô tô tăng tốc sản xuất, kinh doanh xe điện tại Việt Nam
Ô tô điện giá nào cũng có
Trên đường phố hiện nay, ô tô điện lăn bánh ngày càng nhiều. Các hãng xe cũng rầm rộ chiến lược sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe điện như TMT Motors, Kia, Hyundai, Audi tung ra nhiều mẫu mã, phân khúc, giá cả… Với thương hiệu trong Việt Nam, VinFast cũng ra mắt mẫu xe điện mini VF3 chỉ sau khi công bố một tháng thì trước đó vài hôm, ô tô điện Wiling HongGuang MiniEV của TMT Motors với giá 300 triệu đồng/chiếc cũng được giới thiệu.Thaco thì tung ra thị trường hai mẫu xe BMW hoàn toàn bằng điện. TC Motor công bố lắp ráp mẫu SUV thuần điện Ioniq 5 tại thị trường Việt Nam với giá bán 1,3 – 1,4 tỉ đồng/chiếc. Chưa kể, các doanh nghiệp “bắt tay” để hợp sức sản xuất kinh doanh ôtô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam như Công ty Thái Hưng (Thái Bình) và Công ty Roding Mobility. Hai bên sẽ tập trung phát triển xe điện nội đô, với sản lượng dự kiến trong ba năm đầu là 6.000 xe. Dự kiến sản phẩm ra mắt vào năm 2024.Các nhà sản xuất có thể coi đây là thời điểm vàng để người tiêu dùng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, và trong tương lai tiềm năng này được dự báo còn rất lớn.
Hỗ trợ “trừ lùi” vào thuế phí
Theo TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, những chính sách đang được đề xuất cho xe điện là việc nhiều nước đã làm. Chẳng hạn, tại Mỹ thông qua chương trình chống lạm phát, họ cũng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để khuyến khích người dân mua và sử dụng xe điện. Ngay cả khi xe VinFast vào Mỹ cũng đề xuất được hưởng cơ chế này.Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải cũng dựa trên ưu đãi của nhiều nước dành cho những người mua và sử dụng xe điện, qua đó giảm số người sử dụng xe chạy bằng các loại nhiên liệu không tái tạo. Các nước như Mỹ, Na Uy, Trung Quốc, Thái Lan… cũng chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người dân mua xe ô tô điện, chứ không hỗ trợ người mua xe máy điện, vì ở các nước phát triển, ô tô từ lâu đã là phương tiện cá nhân chính.Với đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua xe điện, ông Ánh cho rằng hiện người mua ô tô phải chịu nhiều loại thuế, phí nên cần hỗ trợ theo phương pháp “trừ lùi” vào thuế, phí người dân phải nộp khi họ mua xe điện. Cơ quan quản lý nhà nước không phải “bơm tiền” trực tiếp cho người mua ô tô điện mà chỉ thực hiện việc nâng mức hỗ trợ thuế, phí cho người dân lên mức 1.000 USD/xe ô tô.
Người dân đã quen với xe máy điện lưu thông trên đường
Ý kiến bạn đọc: Góp phần giảm 2/3 hạn chế
Tôi đề nghị nên xem xét để có đề nghị thêm việc hỗ trợ cho xe máy điện vì những lý do sau:
1. Giao thông ở Việt Nam có lẽ đã và đang đối mặt với ba hạn chế, nhất là ở các đô thị lớn là áp lực giao thông do sử dụng xe cá nhân quá nhiều, sử dụng nhiên liệu không tái tạo (xăng dầu) nhiều và hệ quả là gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi. Cá nhân tôi đang sử dụng xe máy xăng cũng nhận thấy mình góp một phần cho cả ba hạn chế này.
2. Thế nhưng, đề xuất hỗ trợ cho ô tô điện suy cho cùng vẫn là một đề xuất vô hình trung “ủng hộ” xe cá nhân. Ở các đô thị hiện không ít cảnh một ôtô to đùng mà chỉ có một người đi, so với xe máy thì thấy rõ áp lực lên giao thông khác xa nhau.
3.Sở dĩ xe cá nhân ở Việt Nam còn nhiều vì giao thông công cộng còn chưa phát triển kịp. Nhìn qua một số nước, mô hình xe công cộng xem như là lý tưởng, nhưng để có được điều đó đòi hỏi một khoảng thời gian dài để phát triển cùng với sự phát triển đồng bộ của nhiều điều kiện khác, không phải muốn có là có ngay, muốn tiện lợi là được tiện lợi ngay. Lúc này, không đủ chi phí “nuôi” ô tô điện thì rõ ràng chọn một chiếc xe máy điện cũng là điều hợp lý.
4. Giao thông công cộng ở các đô thị chưa tốt thì câu hỏi dành cho khu vực nông thôn chắc còn lâu hơn nữa, trong khi người dân ở khu vực nông thôn cũng có nhu cầu đi lại rất lớn, dù muốn dù không, xe cá nhân vẫn là một lựa chọn trong tương lai gần.
5.Tổng kết lại các lý do trên, một xe máy điện cũng ít nhất giúp mỗi cá nhân góp phần nhỏ của mình vào việc giải quyết được 2/3 hạn chế đã nêu khi không còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo (xăng) và giảm được triệt để việc ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi. Chuyện hướng đến giải pháp giao thông công cộng để giảm áp lực giao thông có thể là giải pháp tối ưu nhất nhưng vượt qua khả năng của từng người dân riêng lẻ trong thời gian trước mắt.
Nguồn: tuoitre.vn