10 năm sau Flappy Bird, ngành công nghiệp game Việt Nam bắt đầu khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Bloomberg trích dẫn: “Có một Thung lũng Silicon ở TP.HCM với tinh thần dám nghĩ, dám làm”…
Văn phòng của Amanotes tại TP.HCM G
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ data.ai cho biết tính theo lượt tải xuống trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động (mobile game) hàng đầu thế giới.
Ngành mobile game của thế giới sẽ đạt trị giá hơn 300 tỉ USD vào năm tới, với chỉ số tăng trưởng hằng năm hơn 7%.
Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có động thái quan tâm đến ngành công nghiệp tiềm năng này.
Vừa qua Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức chuỗi hoạt động nhằm tìm cách xây dựng, phát triển ngành công nghiệp game Việt Nam, bao gồm cuộc thi “Tìm kiếm dự án game tiềm năng” và hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn mới cho game Việt” ngày 18-3.
Ngành game Việt không thiếu những cái tên lớn
“Có một Thung lũng Silicon ở TP.HCM với tinh thần dám nghĩ, dám làm. Các nhà lập trình tại đây rất có tài năng”, Hãng tin Bloomberg dẫn lời Khoi Nguyen, nhà sáng lập của Good Story Time – một start-up chuyên về các công cụ trong việc phát triển video game.
Việt Nam gây được tiếng vang đầu tiên trong làng game thế giới với hiện tượng “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông năm 2013. Tựa game trở nên nổi tiếng nhanh chóng, nhưng tác giả sau đó đã gỡ xuống khỏi các chợ ứng dụng vì gây quá nhiều sự chú ý. Trước đó, Flappy Bird đã mang về cho Nguyễn Hà Đông khoảng 50.000 USD mỗi ngày từ quảng cáo.
Thái Thanh Liêm – giám đốc điều hành của nhà phát hành game Topebox, cũng là đại diện cho thế hệ của những doanh nhân làm game thành công – kể lại về khoảng thời gian 10 năm trước, khi anh và những người bạn, nay là đồng sáng lập của Topebox, làm việc không ngừng nghỉ để phát triển những tựa game cho tải miễn phí.
Thái Thanh Liêm (thứ hai, bên trái) tại văn phòng của Topebox
Tựa game đầu tiên của Topebox chỉ trong vòng 1 năm đã thu hút được nửa triệu lượt tải và đạt doanh thu 1 triệu USD trên toàn cầu. Thành công nối tiếp thành công, tựa game Sky Dancer của Topebox sau đó được công ty mẹ ByteDance của TikTok phát hành tại thị trường Trung Quốc và đã có ít nhất 50 triệu lượt tải xuống.
Amanotes, công ty đứng đằng sau tựa game gây nghiện Magic Tiles, là một start-up phát triển game đến từ Việt Nam.
Theo công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu Sensor Tower, Magic Tiles 3 của Amanotes đứng trong top 20 các tựa game di động được tải xuống nhiều nhất trong năm 2022. Tựa game này cho đến nay đã được tải xuống hơn 1 tỉ lần kể từ khi phát hành lần đầu tiên vào năm 2017.
OneSoft cũng là một “ông lớn” khác trong ngành công nghiệp game Việt Nam và thế giới. Theo ghi nhận của data.ai, Onesoft là một trong bốn nhà phát hành game di động lớn nhất tính theo lượt tải về trên App Store và Google Play.
Việt Nam cũng là trung tâm phát triển game dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), với đại diện là start-up Sky Mavis với tựa game trực tuyến Axie Infinity.
Cơ hội “ra biển lớn”
Bill Vo, đồng sáng lập và CEO của Amanotes, cho biết mặc dù các tựa game của công ty đã thu hút được hơn 3 tỉ lượt tải, nhưng không mấy người biết về “quốc tịch” của Amanotes.
“Mọi người không biết rằng Amanotes là một công ty đến từ Việt Nam. Chúng tôi định vị mình là một công ty toàn cầu”, Vo nói.
Với hơn 100 triệu người chơi hằng tháng, cùng hai tựa game Magic Tiles 3 và Tiles Hop, Amanotes đang thảo luận với nhiều nhà đầu tư tiềm năng nhằm mở rộng quy mô kinh doanh.
Theo nhận định của Samuel Stevenin, quản lý bộ phận nghệ thuật của Virtuos Ltd – một công ty chuyên phát triển game khác của Việt Nam, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là lợi thế giúp các nhà phát triển hay phát hành game bên ngoài Trung Quốc có cơ hội được tiếp cận các dự án phức tạp hơn.
“Điều này khiến Việt Nam, hay cả Đông Nam Á, trở nên hấp dẫn hơn”, Stevenin nhận xét.
Nguồn: tuoitre.vn