Hiện nay người dân đăng ký cư trú (tạm trú, thường trú…), xin xác nhận cư trú thì cơ quan công an hướng dẫn phải thực hiện trực tuyến. Từ đây rất nhiều người gặp khó, than “lên bờ xuống ruộng”.

Công an TP.HCM cấp căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho người dân, là cơ sở để người dân có thể thực hiện trực tuyến các thủ tục liên quan - Ảnh: MINH HÒA

Công an TP.HCM cấp căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho người dân, là cơ sở để người dân có thể thực hiện trực tuyến các thủ tục liên quan 

Luật cư trú cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định người dân có thể đăng ký cư trú (tạm trú, thường trú…) trực tiếp hoặc trực tuyến.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân thực hiện các thủ tục này đều bị cơ quan công an phường, xã yêu cầu phải thực hiện trực tuyến.

Lên cổng, ra công an chục lần chưa xong tạm trú

Hơn 2 tháng qua, gia đình chị T.U. (phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) lên cổng dịch vụ công và tới gặp công an phường cả chục lần nhưng vẫn chưa xong đăng ký tạm trú trực tuyến.

Theo chị T.U., vợ chồng chị có hộ khẩu và ở huyện Hóc Môn nhưng thuê nhà ở phường 13, quận Gò Vấp cho gần nơi làm việc.

Ngày 24-5, chị ra Công an phường 13 để đăng ký tạm trú. Cán bộ công an hướng dẫn chị về khai tờ khai thay đổi thông tin cư trú và chuẩn bị các giấy tờ có liên quan rồi lên cổng dịch vụ công để đăng ký trực tuyến.

Sau khi chị nộp hoàn tất, cổng dịch vụ công báo hồ sơ đã được tiếp nhận hẹn 7 ngày làm việc có kết quả. Đúng hẹn, chị T.U. lên cổng dịch vụ công, tra cứu mã hồ sơ của mình thì được thông báo là hồ sơ không được giải quyết do sai thông tin người khai.

Để biết rõ hơn mình khai sai thế nào, chị ra công an phường hỏi để được hướng dẫn. Sau đó chị khai và nộp trực tuyến lần 2. Sau thời gian chờ đợi, chị lên cổng kiểm tra hồ sơ thì được báo là sai thông tin chủ hộ.

Lần thứ 3, cổng dịch vụ thông báo là thông tin chị khai báo trùng lặp. Chị lại ra công an phường để nhờ kiểm tra. “Lần này, tôi nhờ cả Công an phường 13 và công an nơi gia đình tôi thường trú ở Hóc Môn kiểm tra hệ thống thông tin dữ liệu thì vẫn không biết thông tin trùng lặp là gì”, chị T.U. nói.

Lần thứ 4 chị T.U. nộp trực tuyến thì hệ thống báo chị khai sai thông tin về việc đăng ký “lập hộ mới” hay hộ đã có. Lần gần nhất vào ngày 24-7, chị gửi hồ sơ trực tuyến xong nhưng vẫn chưa kiểm tra xem kết quả giải quyết thế nào.

“Tôi mong muốn đăng ký tạm trú để trước mắt giải quyết cho con đi học. Tuy nhiên việc đăng ký trực tuyến quá phức tạp. Làm đi làm lại bao nhiêu lần mà vẫn chưa được”, chị T.U. than thở.

Tương tự chị T.U., ông N.V. cũng mất hơn 2 tháng khi đi khai lại, tới lui Công an phường An Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) thì mới đăng ký thường trú thành công.

Xin xác nhận cư trú cũng rắc rối

Mới đây chị T.N.T.L. (thường trú phường An Phú, TP Thủ Đức) theo yêu cầu của trường đại học bổ sung giấy xác nhận cư trú (mẫu CT07) để bổ túc hồ sơ.

Chị ra công an phường thì được cán bộ phát cho tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01), hướng dẫn về điền thông tin rồi lên cổng dịch vụ công nộp trực tuyến, sau đó ra công an phường nhận cấp giấy xác nhận.

Chị L. truy cập vào cổng dịch vụ công. Tuy nhiên ngay khâu đầu tiên là tạo tài khoản đã bị tắc. Hệ thống báo thông tin đăng ký không khớp.

Hôm sau, chị lại ra công an phường nhờ hỗ trợ. Cán bộ công an phường tạo tài khoản giúp nhưng cũng không thành công. Mặc dù khẳng định với cán bộ công an rằng thuê bao của chị L. đã đăng ký chính chủ, thông tin căn cước đúng… nhưng cán bộ công an thử nhiều lần vẫn chưa tạo được tài khoản.

“Trước đây khi cần xin giấy xác nhận cư trú CT07, chỉ cần ra công an phường để được in cho. Giờ phải đăng ký online nhưng mà không thuận tiện gì cả”, chị L. than.

Bàn về chủ trương thực hiện trực tuyến các thủ tục về cư trú, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Hứa Thị Thảo cho rằng cần khuyến khích để người dân làm quen với việc thực hiện thủ tục trực tuyến.

“Tuy nhiên khi hệ thống dữ liệu vẫn còn chưa sạch, chưa đồng bộ, đường truyền chưa tốt, người dân thực hiện vẫn còn trúc trắc, chưa thuận lợi thì cơ quan công an phải tiếp nhận trực tiếp và nhanh chóng giải quyết. Như vậy mới bảo đảm nhu cầu về giấy tờ thủ tục, quyền lợi cho người dân, chứ không chỉ cứ một mực kêu người dân làm online, gây khó cho dân”, luật sư Thảo nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Căn cước công dânluật cư trú

Các tin liên quan đến bài viết