Giới chuyên gia đánh giá kinh tế châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất, song hoạt động kinh tế của khu vực này vẫn chưa hồi phục đủ để kích thích tăng trưởng.

Giới chuyên gia lạc quan eurozone thoát suy thoái nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc ở Pháp và Tây Ban Nha - Ảnh: BLOOMBERG

Giới chuyên gia lạc quan eurozone thoát suy thoái nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc ở Pháp và Tây Ban Nha 

Giữa bối cảnh khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) chuẩn bị công bố GDP quý 2-2023 vào ngày 31-7 (theo giờ địa phương), giới quan sát đang cố gắng dự đoán bức tranh tăng trưởng chung của khu vực này.

Tranh tối tranh sáng

Theo Đài CNN, tăng trưởng kinh tế vững chắc ở Pháp và Tây Ban Nha đang giúp các chuyên gia lạc quan hơn về khả năng eurozone thoát khỏi đợt suy thoái bắt đầu vào quý cuối cùng của năm 2022.

Dữ liệu chính thức cho thấy GDP của Pháp đã tăng 0,5% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, so với quý đầu tiên của năm 2023, nhờ hoạt động ngoại thương mạnh mẽ. Trong khi đó, Tây Ban Nha báo cáo mức tăng trưởng GDP là 0,4%, chỉ yếu hơn một chút so với quý đầu tiên năm nay.

“Chúng tôi kỳ vọng GDP của eurozone sẽ tăng nhẹ sau hai quý suy yếu. Dữ liệu quốc gia được công bố cho đến nay cho thấy một bất ngờ nhỏ có thể xảy ra, đặc biệt là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên ở Pháp”, Hãng nghiên cứu Oxford Economics nhận định trong báo cáo ngày 28-7.

Các số liệu tăng trưởng của Đức vẫn đi ngang tính đến ngày 28-7, trái ngược với tình hình khả quan hơn ở Pháp và Tây Ban Nha.

Giới quan sát vì vậy lo ngại cường quốc sản xuất của châu Âu có thể trở thành lực cản đối với nền kinh tế eurozone trong năm nay.

Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), GDP của Đức vẫn trì trệ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2023, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Trước đó, Đức đã trải qua hai quý GDP liên tiếp giảm và rơi vào tình trạng suy thoái. Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô tại Ngân hàng ING, nhận định nước Đức “dường như đang mắc kẹt trong vùng tranh tối tranh sáng giữa trì trệ và suy thoái”.

Sau khi GDP giảm 0,4% trong quý cuối cùng của năm 2022 và 0,1% trong ba tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Đức đã rơi vào tình trạng ảm đạm. Tiếp đó, GDP nước này tiếp tục giảm 0,2% trong quý 2-2023 so với một năm trước, theo Destatis.

Suy thoái kinh tế mùa đông của Đức trùng hợp với sự suy giảm trong eurozone nói chung. Nhưng trong khi khối eurozone dự kiến sẽ phục hồi ở hầu hết các nơi, cuộc đấu tranh của nước Đức có vẻ sẽ tiếp tục.

Chuyên gia Jens-Oliver Niklasch của Ngân hàng LBBW đánh giá có thể ghi nhận kết quả tiêu cực đối với tăng trưởng GDP (của Đức) cho toàn bộ năm 2023.

Khó tăng tốc

Một số chuyên gia vẫn cho rằng tình huống xấu nhất có thể không xảy ra. Họ nhận định dù tình hình ở Đức vẫn trì trệ nhưng đã có sự cải thiện so với hai quý trước đó.

“Chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình ổn định trong quý 2-2023 sau nửa năm yếu ớt vào mùa đông”, Văn phòng thống kê Đức cho biết trong một tuyên bố ngày 28-7.

Song ngay cả khi lạc quan rằng eurozone sẽ tăng trưởng trở lại, dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy hoạt động kinh tế sẽ khó lòng tăng tốc rõ rệt.

Theo khảo sát do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố ngày 28-7, kỳ vọng tăng trưởng GDP của eurozone năm nay không thay đổi ở mức 0,6% so với ba tháng trước, trong khi các dự báo cho năm 2024 đã giảm nhẹ xuống 1,1%.

Lạm phát thấp hơn và tiền lương tăng đang khuyến khích tiêu dùng.

Nhưng lãi suất cao hơn và việc không ai biết chắc liệu lãi suất có tăng tiếp hay không đang cản trở động lực dành cho đầu tư. Trả lời báo giới trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho hay ngân hàng “có thể tăng [hoặc] giữ nguyên” lãi suất, nhưng “chắc chắn không” giảm.

Bên ngoài eurozone, Anh – một nền kinh tế lớn của châu Âu – cũng được dự đoán sẽ không thể tăng trưởng rực rỡ trong năm nay, dù đã làm tốt hơn kỳ vọng.

Theo nhóm Chiến lược đầu tư quản lý tài sản & Quản lý tài sản (ISG) của Ngân hàng Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế của Anh được dự báo sẽ không thay đổi trong phần còn lại của năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn làm chậm quá trình mở rộng.

ISG đánh giá nền kinh Anh đã thể hiện vượt mong đợi trong quý đầu tiên nhờ giá khí đốt thấp hơn dự kiến, khả năng phục hồi của thị trường lao động, ngành dịch vụ mạnh mẽ và chiến lược mở rộng toàn cầu hiệu quả hơn mong đợi.

ISG đánh giá tiêu dùng tại Anh sẽ được hỗ trợ bởi niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, tiết kiệm dư thừa và thu nhập lao động thực tế chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, kinh tế Anh cũng sẽ phải đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dự kiến, cản trở quá trình tăng trưởng.

Nguồn: tradingview.com - Tổng hợp: NGUYÊN HẠNH

Nguồn

Kỳ vọng từ đồng euro tăng giá

Tính đến ngày 27-7, đồng euro đã tăng giá mạnh trong năm nay, tăng khoảng 3,5% lên gần 1,11 USD đổi 1 euro. Vào thời điểm này năm ngoái, đồng euro đã suy yếu ở mức thấp nhất trong hai thập niên so với USD.

Với diễn biến mới nhất, các nhà đầu tư đang kỳ vọng đồng euro sẽ tiếp tục tăng giá, báo hiệu giai đoạn kinh tế khó khăn có thể đã qua đi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : châu Âukinh tế

Các tin liên quan đến bài viết