Việt Nam sẽ hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. Các doanh nghiệp dù ở ngành nghề nào cũng cần hiểu mục tiêu này. Vì phát triển kinh tế xanh không còn là cái gì “vui vẻ để làm” mà đã trở thành luật chơi mới.

Ngành gỗ Việt cần có tư duy xanh và tư duy bền vững - Ảnh: Q.H.

Ngành gỗ Việt cần có tư duy xanh và tư duy bền vững 

Một trong những luật chơi mới mà thị trường tiêu dùng đang đòi hỏi là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu (GIBC), khẳng định như vậy tại Diễn đàn Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam chủ đề “Giữ vị thế – đón cơ hội”, tổ chức tại TP.HCM chiều 28-7.

Theo chủ tịch GIBC, ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10-2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.

Theo lộ trình áp dụng CBAM, trong 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải thì có 62 doanh nghiệp thuộc ngành gỗ. Vì vậy, chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, ông Trai cho rằng nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon trị giá 200 tỉ USD chính là cơ hội để doanh nghiệp nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế.

“Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang có cơ hội lớn, nhưng cũng sẽ là rủi ro nếu doanh nghiệp trong nước không có chiến lược để duy trì thị phần tại các thị trường gắn tầm nhìn Việt Nam là trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững”, ông Trai nhận định.

Bài học rõ nhất là sự chuẩn bị của ngành dệt may Bangladesh. Ngành dệt may nước này đã làm bất ngờ những ai đang theo dõi quá trình chuyển đổi kinh tế xanh khi khiến dệt may Việt Nam bị hụt hơi, mất đơn hàng. Ngoài thị trường thì ở đây còn là nội lực, đến nay đáng tiếc là chưa nhìn thấy sự chuẩn bị quyết liệt từ các doanh nghiệp Việt.

Kinh tế tuần hoàn không phải là “bánh vẽ”

Theo Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỉ USD và góp phần thực hiện 10/17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Điều này có nghĩa phát triển bền vững sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trong cuộc đua cam kết về Net Zero, những doanh nghiệp tiên phong sẽ được hưởng lợi, các thương hiệu này sẽ dẫn dắt thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Bởi trong xu hướng tiêu dùng mới, người tiêu dùng sẽ chọn hàng tái thế, tiêu dùng bền vững. Hiện nay, những chiếc áo đang được gia công ở Việt Nam cũng phải đảm bảo 75% từ nguyên liệu tái chế và đến năm 2030 tỉ lệ này phải 100%.

Hay trong ngành nhựa, từ năm 2024, doanh nghiệp sản xuất khi đưa ra thị trường các chai nhựa không được làm từ nguyên liệu tái chế thì phải đóng mức thuế môi trường. Ngay các nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ ưu tiên lựa chọn những dự án xanh để rót vốn.

Thực tế, Chương trình tăng trưởng xanh của Việt Nam đã có từ nhiều năm trước nhưng chưa nhiều doanh nghiệp nhìn nhận đúng mức. Để phát triển bền vững, đáp ứng các điều kiện của thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các doanh nghiệp ngành gỗ phải thực hiện giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng nhanh hơn nữa.

“Đang có khoảng cách giữa chính sách với câu chuyện thực thi, đó là rủi ro cần thẳng thắn nhìn nhận để vượt qua”, ông Trai nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : kinh tế xanhsản phẩm nội thất

Các tin liên quan đến bài viết