Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27-7 thảo luận nhiều vấn đề thuộc nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã triển khai gần một thập niên qua.
Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con tại nhà sách Phú Nhuận, TP.HCM
Với phương thức cuốn chiếu, chỉ còn hai năm học nữa, Bộ GD-ĐT triển khai xong chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong đánh giá của Chính phủ đã ghi nhận những kết quả tích cực, nỗ lực của Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, địa phương tạo nên một sự thay đổi bước đầu. Nói như đại biểu Nguyễn Thị Thanh là đã “chạm đến” hầu hết các mục tiêu được đặt ra.
Tích hợp hay lắp ghép?
Trên thực tế, trong chương trình giáo dục mới cũng có những vấn đề nên đánh giá lại. Đơn cử như vai trò của môn lịch sử thế nào? Có cần thiết phải có môn học tích hợp?
Vì sao một số môn học, hoạt động chậm phê duyệt? Vì sao việc triển khai một số môn học, hoạt động lại chưa đúng với tinh thần ban đầu, đang chịu nhiều áp lực, quá tải.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, ý kiến về việc triển khai dạy học môn tích hợp (môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở cấp THCS):
“Chương trình các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý hiện nay đã đúng là tích hợp chưa hay đó chỉ là lắp ghép các môn học thành phần lại với nhau?”. Bà Hoa cho rằng đây là việc cần làm rõ hơn căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn đã triển khai các năm qua.
Cũng theo bà Mai Hoa, quá trình giám sát cho thấy các trường triển khai rất khác nhau với các môn tích hợp trên. Có nơi cho giáo viên tập huấn rồi yêu cầu một giáo viên dạy hết môn (gồm các phân môn khác nhau) trong khi hầu hết giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm.
Có nơi phân bố thời khóa biểu để giáo viên đảm nhiệm các phần khác nhau tương ứng với chuyên môn được đào tạo. Nhưng vì thiếu giáo viên, vì chưa linh hoạt, chủ động trong thiết kế kế hoạch dạy học nên xảy ra các bất cập.
Chẳng hạn như một giáo viên phải đảm nhiệm nhiều tiết/tuần dẫn đến tính logic, khoa học của môn học bị phá vỡ khi các trường phải loay hoay bố trí giáo viên, đảo lộn các phần khác nhau trong chương trình môn học này.
Bà Mai Hoa đề nghị phải có sự đánh giá về hiệu quả thực hiện, phân tích những vướng mắc đang phổ biến hiện nay. Và nếu duy trì môn học tích hợp, cần đào tạo giáo viên có thể đảm nhiệm môn học mới này.
Tình trạng chậm phê duyệt chương trình, sự lúng túng và làm sai yêu cầu của các trường được một số đại biểu phản ảnh và nêu trong báo cáo của Chính phủ ở phần “hạn chế”.
Đơn cử như chậm phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, chương trình các môn tự chọn, các môn ngoại ngữ khác (ngoài tiếng Anh). Việc thực hiện các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm…
Vẫn nóng chuyện sách giáo khoa
Câu chuyện sách giáo khoa là một nội dung được đề cập nhiều ở phiên họp. Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa có những bất cập như một số sách chưa phù hợp, thiếu sót về nội dung, ngữ liệu; thời gian thực nghiệm sách giáo khoa chưa đủ sâu rộng.
Bên cạnh đó, còn có những lúng túng trong lựa chọn sách, giá sách bị đội lên gây khó khăn cho người dân và có rủi ro khi phó thác việc biên soạn, cung ứng sách giáo khoa phổ thông hoàn toàn cho các đơn vị xã hội hóa.
Những phân tích này cho thấy cần có sự cân nhắc về chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và đặt lại yêu cầu nên chăng Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa cấp quốc gia bên cạnh sách xã hội hóa.
Về việc này, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao đổi: Bộ GD-ĐT từng giải trình về khó khăn trong việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, vốn là nội dung trong nghị quyết 88/2014/QH13.
Đề xuất không thực hiện bộ sách giáo khoa này đã được chấp nhận. Vì thế lúc này nhắc lại việc chưa có bộ sách do Bộ GD-ĐT tổ chức không phải là nêu lỗi của Bộ GD-ĐT mà sau một thời gian triển khai chương trình mới, phải nhìn nhận lại để cân nhắc và có cách làm phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, cho rằng giáo dục phổ thông phải đảm bảo cung cấp kiến thức phổ thông, qua đó phát triển năng lực phẩm chất người học. Kiến thức phổ thông thể hiện ở chương trình khung nhưng nó cũng nằm trong sách giáo khoa. Vì thế sách giáo khoa cũng rất quan trọng và mang tính phổ cập.
“Hiện nay, chương trình theo tôi hiểu không chỉ xây dựng một lần mà được cập nhật, tiếp tục hoàn thiện trong quá trình thực hiện. Nhưng khi sách giáo khoa giao phó hết cho các đơn vị xã hội hóa thì ai chịu trách nhiệm về việc hoàn thiện, cập nhật cùng với chương trình? Trách nhiệm Nhà nước ở đâu?
Sách giáo khoa theo chương trình mới hiện chưa ban hành hết. Giả sử như có 2 – 3 nhà xuất bản có vấn đề ngừng biên soạn, cung ứng thì chẳng lẽ giáo dục phổ thông phải tạm ngưng? Vì thế cần phải có phương án tránh rủi ro”, ông Đắc Vinh nói.
Theo ông Đắc Vinh, trước đây Bộ GD-ĐT không làm được một bộ sách do vướng ở thủ tục đấu thầu vì kinh phí để triển khai khi đó là vốn vay.
Cách tháo gỡ bây giờ có thể là bộ biên soạn một bộ sách, nhưng không phải bằng kinh phí đi vay mà lấy từ ngân sách nhà nước. Những ý kiến khác ủng hộ việc “có một bộ sách giáo khoa cấp quốc gia” cho rằng có nhiều cách để thực hiện.
Trong đó có thể bộ không tổ chức biên soạn một bộ mới mà chọn lọc từ các bộ sách giáo khoa đã có. Sử dụng ngân sách nhà nước để mua bản quyền, nhưng “tiền bản quyền” đó sẽ tặng cho người dân để không cộng vào giá sách. Những sách nằm ngoài số được chọn vẫn có thể được sử dụng tùy theo lựa chọn của các địa phương, nhà trường như hiện nay.
“Con gà, quả trứng”
Thừa nhận hạn chế nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết có quá nhiều khó khăn về điều kiện thực hiện, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh trong ba năm triển khai chương trình.
Điều ông Kim Sơn nhấn mạnh là những khó khăn trong việc thay đổi quan điểm giáo dục để phù hợp với yêu cầu mới.
Ví dụ quan điểm trong vai trò tự chủ của trường khi thực hiện kế hoạch giáo dục, quan điểm về dạy học gắn với yêu cầu cần đạt của chương trình chứ không phải lệ thuộc vào sách giáo khoa. Việc triển khai cuốn chiếu chương trình khiến các nhà trường, giáo viên phải cùng lúc dạy cả chương trình cũ và mới cũng là rảo cản lớn.
“Môn tích hợp là chuyện con gà, quả trứng vì phải có môn học đưa vào hoạt động, trường đại học mới mở mã ngành đào tạo.
Nhưng chương trình không thể chờ bốn năm có giáo viên mới triển khai. Vì thế trước hết phải sử dụng giáo viên tại chỗ bằng cách tập huấn và linh hoạt trong bố trí giáo viên”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.
Nguồn: tuoitre.vn