Bất cập trong đào tạo lái xe: Ai chịu trách nhiệm bồi thường cho học viên?

09:09 25/07/2023  Tổng hợp

Thiết bị giám sát “dở chứng”, hệ thống dữ liệu nhiều khi “tê liệt”…và nhiều lỗi khác khiến cả người dạy lẫn người học lái xe phải thực hành lại, vừa tốn chi phí vừa mất thời gian.

Học viên thiệt hại chi phí, thời gian

Thiết bị giám sát DAT “dở chứng” không công nhận kết quả khiến học viên buộc phải học lại, thậm chí ngay cả hệ thống dữ liệu DAT cũng xảy ra “tê liệt” khiến nhiều học viên gặp khó khăn.

Bạn đọc H.T. cho biết, tình trạng này không chỉ xảy ra tại Hà Tĩnh, Bắc Ninh hay một số địa phương khác mà ngay ở Hà Nội thiết bị DAT cũng trục trặc. Năm ngoái, anh H.T. phải chạy lại 2 ngày vì hệ thống DAT không lưu dữ liệu.

Tương tự, bạn đọc Minh chia sẻ: “Cuối năm ngoái tôi phải chạy lại hơn 100km đây. Nguyên nhân do phần mềm trục trặc không cập nhật hệ thống. Tự nhiên mất thêm thời gian, chi phí học”.

Bạn đọc khác phỏng đoán nguyên nhân là do hệ thống chưa ổn định đã áp dụng vội vàng. Từ đó làm học viên phải chịu phát sinh chi phí, chưa kể việc học lại còn mất thời gian với “cục tức” trong người.

Học viên gặp khó với cabin điện tử 

Trong khi đó, bạn đọc Sơn Lĩnh cho rằng, việc áp dụng công nghệ đáng lẽ phải tiện dụng, hiện đại hơn, nhưng cuối cùng lại thêm việc cho cả giáo viên và học viên. “Công nghệ khoa học mà áp dụng không tới thì chắc chắn sẽ làm khổ con người”, bạn đọc Sơn Lĩnh nêu ý kiến.

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc khác, tình trạng hệ thống dữ liệu ‘tê liệt’ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên. Bởi vì học xong rồi mà chưa được thi sát hạch thì sẽ chậm được lái xe, bỏ lỡ cơ hội việc làm.

“Trong trường hợp này, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thời gian và chi phí cho học viên?”, một bạn đọc nêu câu hỏi.

“Lái xe là thực tế, thi cũng phải thực tế”

Theo đánh giá của bạn đọc Quốc Linh, phần mềm thi sát hạch không thực tế, giống như đánh đố học viên. Tài xế lái ô tô ngoài đường phải phán đoán tình huống bằng suy nghĩ đầu óc, giác quan, phản xạ, chứ không phải như phần mềm này được viết sẵn, phán đoán tình huống… bằng tay.

“Nên bỏ phần thi này vì phi thực tế, không sát thực với kỹ năng lái xe”, bạn đọc Quốc Linh nêu ý kiến.

Bạn đọc Doãn Dũng cũng cho rằng bài thi mô phỏng không thể có đáp án giống nhau, bởi vì mỗi người đều có cách xử lý khác nhau để an toàn.

“Trên thực tế, khi tham gia giao thông xử lý tình huống càng nhanh, sớm càng ít tai nạn, sao lại có việc ngược đời xử lý nhanh, sớm cũng không được tính điểm. Khi đưa ra tình huống, nếu học viên xử lý mà không bị va chạm thì nên được coi là đạt”, bạn đọc Doãn Dũng mong muốn.

Một bạn đọc nhận định: “Lái xe là thực tế thì thi cũng phải thực tế. Thi lái xe mà thi mô phỏng thì quá vô lý. Do đó, cơ quan chức năng nên xem xét bỏ phần thi này”.

Thiết bị DAT “dở chứng” khiến nhiều học viên phải chạy lại hàng trăm km.

Trái ngược với ý kiến đề nghị bỏ phần thi mô phỏng, bạn đọc D.T.A. đồng tình với quan điểm của một lãnh đạo trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe khi kiến nghị nên thiết kế thang điểm 1-2-3-4-5-4-3-2-1 tương đương cho quá trình xử lý tình huống: sớm, đúng và muộn.

“Tôi cho rằng đây là ý kiến chuẩn nhất và nên thực hiện ngay, còn phần mềm thi mô phỏng vẫn cần tiếp tục được thực hiện”, bạn đọc D.T.A. bình luận.

Đề xuất bỏ học trên cabin, tăng đào tạo thực tế ở ngoài đường

Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng học lái xe trên cabin điện tử giống như chơi game, chỉ hỗ trợ phần nào các thao tác lái.

Lý giải tình trạng hoa mắt, chóng mặt khi học trên cabin điện tử, bạn đọc Hữu Vinh chỉ ra vấn đề do đầu tư máy cấu hình kém, độ trễ cao. Như vậy cabin sẽ không hỗ trợ mà còn gây hại do ảnh hưởng đến cảm giác lái của học viên.

Bạn đọc Mạnh Cường chia sẻ, theo quy định của Bộ GTVT, từ năm 2001 các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã phải trang bị cabin điện tử cho phòng học kỹ thuật lái xe. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến cuối năm 2022, quy định mới về đào tạo lái xe lại bỏ yêu cầu trang bị cabin điện tử. Và không hiểu vì lý do gì, đến tháng 1/2023, lại bắt buộc học trên cabin này.

Với giá thành tương đương một ô tô (khoảng 500 triệu đồng), giả sử mỗi cơ sở đào tạo chỉ mua 2 cabin điện tử thì số tiền bỏ ra không dưới 1 tỷ đồng. Cả nước với gần 400 cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải chi khoảng 400 tỷ đồng.

Đây là khoản chi phí không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Thế nhưng chi phí cho việc đầu tư này sẽ được tính vào tiền học phí của học viên. Do đó, người học sẽ thêm gánh nặng.

Theo bạn đọc Mạnh Cường, khi nội dung sát hạch thực hành lái xe ô tô hoàn toàn không thay đổi, thì việc có học hay không trên cabin điện tử cũng không ảnh hưởng đến kết quả thi. Như vậy, các cơ sở đào tạo vẫn phải mua cabin, còn học viên có dùng, học đủ 3 giờ hay không thì khó kiểm tra hết được.

Cùng chung lý lẽ trên, nhiều bạn đọc đề xuất bỏ quy định học trên cabin, thay bằng tăng cường đào tạo thực tế ở các loại hình đường khác nhau.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Cabin học láihọclái ô tô

Các tin liên quan đến bài viết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP 24H BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Khắc Hoàn
Hoạt động theo giấy phép: Số 05/GP-TTĐT ngày 04/11/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước
Địa chỉ Ban biên tập: Khu phố 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0916.921.160 Email: 24hbinhphuoc@gmail.com

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
CỬA HÀNG DỊCH VỤ - TRẦN QUÂN
Địa chỉ: Kp 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Liên hệ quảng cáo: 0986.594.211 - 0916.921.160