Sáng 11-7, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến 300 điểm cầu trong cả nước nhằm phổ biến Nghị định 35 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ
Thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Lâm chủ trì tại điểm cầu Bình Phước.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước
Một trong những điểm mới của nghị định lần này là tăng cường phân cấp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cụ thể: Phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh đối với một số dự án; phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài từ Bộ Xây dựng sang Sở Xây dựng các địa phương; phân cấp toàn diện cho UBND cấp tỉnh quyết định các khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt; phân cấp thẩm quyền quyết định một số khu vực phát triển đô thị của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh…
Nghị định 35 phân cấp toàn diện cho UBND cấp tỉnh quyết định các khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt
Nghị định 35 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng được Chính phủ ban hành ngày 20-6-2023. Nghị định có 17 điều và 7 phụ lục, trong đó, sửa đổi, bổ sung 12 nghị định; bãi bỏ toàn bộ 1 nghị định; bãi bỏ một phần 1 nghị định; quy định về kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng; quy định về nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. |
Nghị định ra đời và có hiệu lực sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất – kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo Báo Bình Phước