Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi gần 626 triệu USD (khoảng 14.700 tỉ đồng) để nhập khẩu thịt heo, thịt gà, thịt bò, thịt trâu…

Việt Nam chi 14.700 tỉ đồng để nhập thịt ngoại trong nửa đầu năm 2023 - Ảnh: P.THẢO

Việt Nam chi 14.700 tỉ đồng để nhập thịt ngoại trong nửa đầu năm 2023 

Thông tin được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu trong báo cáo tại hội thảo phổ biến kiến thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường diễn ra ngày 10-7.

Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 65 triệu USD (tăng 10% so với cùng kỳ 2022) thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 68 triệu USD (tăng 39%).

Ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi 1,67 tỉ USD (giảm 10%) để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 618 triệu USD (giảm 12%). Giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD (giảm 4%).

Còn theo bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập khẩu thịt những tháng đầu năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Đơn cử tháng 5-2023, Việt Nam nhập khẩu 57.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 109 triệu USD (tăng 10% về lượng, nhưng giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Các chủng loại thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu trong tháng 5-2023 gồm thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, thịt trâu tươi đông lạnh. Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh. Thịt heo và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, phụ phẩm ăn được sau giết mổ (của heo, trâu, bò sống) ướp lạnh hoặc đông lạnh có xu hướng tăng. Trong khi nhập khẩu thịt heo và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Với nhập khẩu thịt heo, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 29.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 74 triệu USD (giảm 20% về lượng và giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).

Nga, Brazil, Đức, Hà Lan và Canada là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cả tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh cho Việt Nam.

Thực tế, ghi nhận trên thị trường các mặt hàng thịt nhập ngoại đang được rao bán tràn lan với giá khá rẻ.

Đơn cử, một website của Công ty xuất nhập khẩu H.N. (ở quận 12, TP.HCM) rao bán thịt bò Mỹ, Úc giá dao động 50.000 – 350.000 đồng/kg, tùy loại. Thịt trâu Ấn Độ 60.000 – 140.000 đồng/kg, tùy loại. Giá thịt heo nhập khẩu được rao bán 30.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại.

Giá heo hơi đang tăng

Theo Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào đã tăng trong thời gian dài và vẫn đang ở mức cao, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm.

Trong quý 1, giá bán thịt heo hơi vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhưng đến quý 2 giá thịt heo hơi bắt đầu tăng.

Hiện giá heo hơi đang dao động quanh mức 65.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao nhưng giá xuất bán sản phẩm đầu ra không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm mạnh. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể bù lỗ nên đã phải dừng nuôi.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất lại có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng.

Tổng đàn heo của cả nước thời điểm cuối tháng 6-2023 ước khoảng 26 triệu con, tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : nhập khẩu thịtThịt nhập

Các tin liên quan đến bài viết