Mặc dù dự án nhuộm nằm trong danh mục cấm đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú (Đắk Lắk) nhưng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh vẫn cấp chứng nhận đầu tư có hạng mục này cho một công ty Trung Quốc.

Ngày 8/7, một nguồn tin cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (Ban quản lý CKCN) khẩn trương kiểm tra, báo cáo việc cấp phép đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Một công ty Trung Quốc được cấp chứng nhận đầu tư dự án thuộc danh mục cấm? - 1

Tỉnh yêu cầu báo cáo cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp Trung Quốc

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 ngày 5/7, đại biểu tham dự có ý kiến về việc Ban Quản lý CKCN tỉnh cấp phép cho 2 doanh nghiệp Hong Kong, Trung Quốc, đầu tư thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Hòa Phú không đúng quy định, không lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Trước ý kiến trên, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Ban Quản lý CKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra về việc cấp phép. Đồng thời, lấy ý kiến hoạt động của 2 doanh nghiệp nêu trên, tình hình triển khai thực hiện dự án.

Tỉnh yêu cầu nội dung báo cáo trước ngày 11/7 phải nêu cụ thể căn cứ pháp lý khẳng định việc Ban Quản lý CKCN đã thực hiện đảm bảo hay không đảm bảo quy định.

Tháng 3 vừa qua, ông Phạm Văn Tịch – Trưởng Ban quản lý CKCN tỉnh Đắk Lắk (hiện đã nghỉ hưu) – ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ LuGang Việt Nam (Công ty Lugang) đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất sợi Đắk Lắk. Dự án có công suất khoảng 6.800 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 470 tỷ đồng (100% vốn Trung Quốc), dự kiến đưa vào hoạt động từ quý II/2024.

Sau đó, Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú (Công ty Hòa Phú) ký hợp đồng cho Công ty Lugang Việt Nam thuê 2,8ha trong KCN Hòa Phú.

Dự án thuộc danh mục cấm vẫn được cấp giấy chứng nhận đầu tư

Khi Công ty Lugang đang làm các thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục thỏa thuận đấu nối xử lý nước thải trong khu công nghiệp, phía Công ty Hòa Phú phát hiện dự án trên xây dựng Nhà máy sản xuất sợi có công đoạn nhuộm thuộc danh mục dự án được UBND tỉnh cấm đầu tư vào KCN Hòa Phú.

Một công ty Trung Quốc được cấp chứng nhận đầu tư dự án thuộc danh mục cấm? - 2

Dự án Nhà máy sản xuất sợi có công đoạn nhuộm thuộc danh mục cấm đầu tư tại KCN Hòa Phú (Ảnh: Uy Nguyễn).

Mặt khác, lượng nước thải phát sinh tại dự án Nhà máy Sản xuất sợi Đắk Lắk không thể tiếp nhận nước thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN. Dự kiến lượng nước thải phát sinh của nhà máy trên 3.000m3/ ngày đêm, đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của KCN sẽ vượt quá công suất thiết kế 2.900m3/ngày đêm của nhà máy xử lý nước thải tập trung thuộc KCN.

“Theo quy định về bảo vệ môi trường tại KCN Hòa Phú và khả năng tiếp nhận của hạ tầng KCN tại vị trí đầu tư dự án Nhà máy sản xuất sợi Đắk Lắk của Công ty LuGang, công ty không thể tiếp nhận dự án này đầu tư vào KCN Hòa Phú”, vị lãnh đạo Công ty Hòa Phú cho hay.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy sản xuất sợi Đắk Lắk tại KCN Hòa Phú vì chưa đảm bảo tính pháp lý.

Sẽ đề nghị tỉnh tháo gỡ danh mục cấm cho doanh nghiệp

Trao đổi phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Ban Quản lý CKCN tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, căn cứ vào quyết định năm 2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk đến nay vẫn còn hiệu lực, dự án có công đoạn nhuộm thuộc danh mục cấm.

Tuy nhiên trải qua 15 năm, xét điều kiện thực tế, khi chủ trương của Chính phủ ưu đãi đầu tư, phát triển ngành dệt may Việt Nam, việc cấm cần chỉnh sửa cho phù hợp.

“Doanh nghiệp LuGang mua lại dự án của một doanh nghiệp khác. Chúng tôi không phải không biết nó nằm trong danh mục cấm. Chúng tôi đang đề nghị tỉnh cho sửa lại mục cấm này và đã cấp chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

Nhà đầu tư cam kết bỏ vốn đầu tư nhà máy xử lý nước thải, cam kết xử lý nước thải ra cột A (nước sử dụng được, đổ thẳng ra sông suối được). Khoảng 5-10 năm trước, việc cấm là đúng, nhưng 15 năm sau, công nghệ xử lý nước thải đã hiện đại. Do đó, từ cấm hiện nay trong văn bản chúng ta cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo Ban Quản lý CKCN tỉnh Đắk Lắk, quá trình lập dự án đầu tư gửi Ban Quản lý CKCN, doanh nghiệp này nêu rõ việc xả thải chưa đến 1.000m3/ngày. Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp gửi tham vấn đánh giá tác động môi trường lại nêu việc xả thải khoảng 3.100m3/ngày.

“Nắm thông tin chúng tôi mời lên làm việc vì nếu mức đó chúng tôi phải cho dừng dự án vì không đủ điều kiện đáp ứng. Hiện, đơn vị này điều chỉnh lại việc xả thải dự án khoảng 1.400m3/ngày”, vị lãnh đạo này thông tin.

Theo Dân Trí

Từ khóa : dak lakdanh mục cấmdầu tư

Các tin liên quan đến bài viết