Nhiều đơn vị bán hàng đã sẵn sàng áp dụng chính sách này để người dân được hưởng lợi trực tiếp. Ngoài ra, các nơi còn có nhiều chương trình khác để hỗ trợ người tiêu dùng.
Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra hiện đang có mức giảm giá trung bình từ 22% đến 62% cho 5 ngành hàng thiết yếu, gồm cộng gộp mức giảm giá thông thường và cộng thêm giảm 2% thuế VAT
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1-7 đến 31-12-2023, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đã góp phần giảm giá bán, giảm chi phí người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hằng ngày.
Giảm giá thành, tăng sức mua
Khi Quốc hội vừa thông qua nghị quyết chung của kỳ họp, nghị quyết giảm 2% thuế VAT còn 8%, không những người dân mà các doanh nghiệp đều vui mừng khi triển khai.
Bước sang ngày thứ 2 áp dụng VAT 8%, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận thị trường mua bán tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác; câu chuyện hưởng lợi giảm thuế 2% ở các nơi đã kích thích được sức mua hơn so với trước đây.
Làm công nhân chế biến thực phẩm ở KCN Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Mai bày tỏ niềm vui khi áp dụng giảm 2% thuế với một số mặt hàng. Theo chị Mai, niềm vui này có thể dễ dàng tính bằng con số và lưu lại thành tiền tiết kiệm mỗi tháng cho gia đình.
“Lương công nhân làm trên chục năm, ngót nghét 12 triệu đồng. Nhưng tôi sử dụng thẻ không tiền mặt mà công ty làm cho để vào siêu thị mua hàng, vì thi thoảng ở đây có giảm giá. Lợi hơn khi mua ở chợ.
Giờ thuế VAT giảm 2%, từ việc mua hàng so với khi chưa được giảm thuế, tính nôm na tôi tiết kiệm được 240.000 đồng/tháng, bằng với số tiền học phí chương trình tiếng Anh tăng cường ở trường cho con mỗi tháng”, chị Mai chia sẻ.
Cũng chung niềm vui, anh Nguyễn Thế Sự (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết mình “hên” khi gia đình anh sắp về nhà mới và cần mua sắm nhiều mặt hàng gia dụng, sinh hoạt. Anh Sự dự định trong đầu sẽ vào các cửa hàng lớn, siêu thị… để “hóng” giảm giá.
“Thật bất ngờ, mua hàng đúng lúc được giảm thuế VAT 2%, con số nhỏ nhưng mua nhiều thật sự rất đỡ. Tiết kiệm được nhiều chi phí để bù vào những khoản chi khác.
Thời buổi kinh tế khó khăn, đây đúng là sự chia sẻ lớn với người dân. Tôi sẽ chọn mua hàng ở những nơi sẵn sàng giảm giá hàng hóa, thuế suất cụ thể, rõ ràng” – anh Sự cho biết.
Ngoài niềm vui của người dân, theo một số doanh nghiệp, chính sách giảm 2% thuế VAT như “mũi tên trúng nhiều đích”.
Bởi từ việc giảm giá cho người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; kích thích kinh tế phục hồi…
Việc thực hiện giảm VAT theo nghị quyết 43 đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỉ đồng.
Sau giảm VAT, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
800 điểm bán và hàng ngàn sản phẩm giảm giá
Giảm 2% thuế VAT sẽ khiến giá thành cuối cùng khách hàng phải trả giảm xuống, giúp việc tiêu thụ sản phẩm tăng lên. Vì thế các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tiêu dùng đã đồng loạt áp dụng mức thuế VAT mới và thông báo đến khách hàng, người tiêu dùng.
Theo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đơn vị đã sẵn sàng chương trình giảm giá hàng ngàn sản phẩm cho toàn hệ thống bán lẻ với 800 điểm bán trên toàn quốc bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife… ngay sau khi việc giảm 2% thuế VAT có hiệu lực.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng – giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart – nhìn nhận: “Đây là kế hoạch thiết thực hưởng ứng chủ trương hỗ trợ phục hồi và phát triển nhanh chóng hoạt động kinh doanh sản xuất.
Đây cũng là động lực tăng trưởng của một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nhà nước và chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Đồng thời, việc giảm thuế, giảm giá bán hàng hóa cũng là tiếp nối hưởng ứng Tháng khuyến mãi kích cầu “Shopping Season” của thành phố”.
Ghi nhận tại các điểm bán thuộc hệ thống của Saigon Co.op, nhiều sản phẩm được giảm giá thuế và giá giảm chung, giá trị giảm tăng lên rất nhiều. Một nhân viên bán hàng tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) cho hay:
“Năm ngành hàng gồm hóa phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang và đồ dùng gia đình đều sẽ tham gia giảm giá, mức giảm giá trung bình từ 22% đến 62%, gồm cộng gộp mức giảm giá thông thường cộng thêm giảm 2% thuế VAT”.
Thực tế, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 2.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống chủ yếu là các loại thịt và rau củ quả,… giảm trung bình 22%.
Còn thực phẩm công nghệ gồm các loại nước giải khát, các loại sữa,… giảm trung bình 32%; các sản phẩm thời trang may mặc thiết kế trang nhã… giảm trung bình 42%; các mặt hàng đồ dùng gia đình gồm các loại nồi, chảo, bình đun siêu tốc… giảm trung bình 62%.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đang triển khai chương trình “Gia đình Việt – Đại sứ xanh” với 2.860 sản phẩm được giảm giá từ 28 – 60%.
Với 28.600 deal giảm giá, 286.000 món quà cùng chứng nhận “Đại sứ xanh” sẽ được trao cho những gia đình tham gia thử thách hành trình xanh trong thời gian diễn ra chương trình.
Cứ 10 người vào siêu thị, có 7 người được hưởng lợi từ giảm VAT 2%
Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho thấy, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% sẽ giúp người tiêu dùng giảm được chi phí chi tiêu, nhưng người dân nên mua hàng gì và mua ở đâu để được giảm thuế VAT là giải đáp cần làm rõ.”Theo thống kê của ngành tài chính, các hệ thống đại siêu thị sẽ có trên 20.000 sản phẩm (gồm thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng…) được áp dụng giá bán mới giảm thuế 2% VAT.Các mặt hàng được giảm thuế VAT xuống còn 8% nằm trong giỏ hàng hóa thiết yếu, chiếm 75% tỉ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị.Khoảng 10 người vào siêu thị thì sẽ có 7 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình giảm thuế của Chính phủ”, một chuyên gia kinh tế đưa ra bức tranh nhận định.