Theo số liệu của Văn phòng Thống kê liên bang Đức công bố hôm 29-6, Đức ghi nhận lạm phát tăng 6,8% trong tháng 6-2023 so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên tăng trong 4 tháng qua.
Con phố mua sắm Hohe Strasse nổi tiếng ở thành phố Cologne, Đức
Tuần này, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định thách thức lạm phát của khu vực đồng euro đang chuyển sang giai đoạn mới.
Theo đó, yếu tố gây ra áp lực giá cả tại đây đang chuyển từ lợi nhuận doanh nghiệp sang tiền lương.
Thách thức từ tiền lương tăng
ECB đang lo ngại về thị trường việc làm thắt chặt và tiền lương tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động.
Theo các quan chức tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lợi nhuận doanh nghiệp tăng chiếm gần một nửa mức tăng lạm phát của châu Âu trong hai năm qua khi các công ty đẩy giá hàng hóa của họ lên nhiều hơn cả mức tăng giá đột biến của năng lượng nhập khẩu.
Lạm phát trong khu vực đồng euro đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10-2022 do chi phí nhập khẩu tăng sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Lúc đó, các công ty đã chuyển mức tăng giá trực tiếp này cho người tiêu dùng gánh chịu.
Nói cách khác, các doanh nghiệp của châu Âu đã được bảo vệ nhiều hơn so với người lao động khỏi cú sốc giá cả.
Giờ đây, khi người lao động đang thúc đẩy tăng lương để lấy lại sức mua đã mất, các công ty có thể phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận ít hơn nếu muốn lạm phát vẫn đi đúng hướng để đạt được mục tiêu 2% của ECB vào năm 2025.
Tuy nhiên, tiền lương tăng cũng sẽ tạo ra thêm thách thức cho các nhà hoạch định chính sách vì tiền lương điều chỉnh chậm và có nguy cơ khiến lạm phát trở nên dai dẳng hơn.
Dẫu vậy, các nhà hoạch định chính sách hy vọng khu vực này sẽ không rơi vào vòng xoáy tiền lương – giá cả và rằng họ sẽ không phải dùng các biện pháp mạnh.
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp sẽ cần đồng ý để lợi nhuận của họ giảm xuống trong lúc vẫn trả lương cao hơn cho người lao động.
Các nhà hoạch định chính sách tại ECB cảnh báo trong năm nay các công ty có thể sẽ tiếp tục cố gắng tăng tỉ suất lợi nhuận ngay cả khi chi phí giảm, và điều này sẽ kéo dài lạm phát.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng ECB Philip Lane vẫn kỳ vọng: “Do lợi nhuận doanh nghiệp năm ngoái quá cao nên hiện nay nhìn chung vẫn còn khoảng trống để lợi nhuận doanh nghiệp giảm xuống nhằm “hấp thụ” các khoản tăng lương đó”.
Bức tranh tương phản
Bức tranh lạm phát ở châu Âu đang chứa sự đối nghịch. Trong khi giá tiêu dùng ở Đức tăng cao hơn dự đoán thì lạm phát đã giảm mạnh ở Tây Ban Nha và Ý.
Lạm phát tăng ở Đức một phần là do giá vận tải tăng vọt sau khi Berlin giảm trợ cấp vé xe buýt và tàu hỏa.
Ngược lại với các số liệu từ Đức, lạm phát của Tây Ban Nha trong tháng 6-2023 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp đáng kể so với mức 2,9% của tháng trước đó. Tại Ý, lạm phát trong tháng 6-2023 là 6,7%, thấp so với mức tăng 8% trong tháng 5.
Bộ Kinh tế Tây Ban Nha lưu ý nước này là “nền kinh tế lớn đầu tiên trong khu vực đồng euro giảm lạm phát xuống dưới cả mức 2% (mức ECB đặt ra)” kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, sự kiện góp phần làm tăng giá lương thực và nhiên liệu.
Cơ quan Thống kê Tây Ban Nha giải thích giá nhiên liệu, điện, thực phẩm và đồ uống tăng chậm hơn đã góp phần vào sự sụt giảm này.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB hy vọng lạm phát ở Tây Ban Nha giảm là dấu hiệu sớm cho thấy những gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của khu vực.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) của Tây Ban Nha là 5,9% trong tháng 6-2023, chỉ thấp hơn nhẹ so với mức 6,1% trong tháng 5.
Báo Financial Times bình luận sự khác biệt giữa mức lạm phát 6,8% của Đức trong tháng 6-2023 và 1,6% được ghi nhận bởi Tây Ban Nha làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ECB – vốn tập trung vào lạm phát lõi – phải đối mặt.
Tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đánh giá vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trước tình trạng tăng giá tiêu dùng.
Bà Franziska Palmas, nhà kinh tế học tại nhóm nghiên cứu Capital Economics, đánh giá: “Số liệu lạm phát tháng 6 của Đức sẽ không làm thay đổi quyết tâm “diều hâu” của ECB, ngay cả khi lạm phát lõi giảm ở các quốc gia khác”. Bà cho rằng chỉ khi lạm phát lõi “giảm liên tục” thì những người thiết lập lãi suất tại ECB mới bớt lo lắng.
Lạm phát của 20 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 10,6% trong tháng 10-2022 xuống còn 6,1% trong tháng 5-2023, nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.
Sẽ lại tăng lãi suất?
Hiện nay tăng lãi suất là công cụ chính của các ngân hàng trung ương để chống lại lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi áp lực giá cả tại châu Âu giảm xuống một cách rõ ràng.
Tháng 6-2023, các nhà hoạch định chính sách tại ECB đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 3,5% – mức cao nhất trong 22 năm. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo có thể sẽ có thêm ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa tại cuộc họp vào tháng 7.
Nguồn: tuoitre.vn