Sau môn thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023, mạng xã hội ‘dậy sóng’ với các ý kiến về đề thi. Trong đó, có giáo viên nói đề thi văn ‘cũ kỹ, không khuyến khích sáng tạo’ nhưng cũng có giáo viên nói đề ‘ổn và có tính phân hóa cao’.
Đề thi môn Ngữ văn năm nay
* Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – nguyên giáo viên môn ngữ văn bậc THPT tại TP.HCM:
Không khuyến khích sáng tạo
Tôi buồn với đề thi văn năm nay. Thứ nhất, ở phần đọc hiểu, đề văn thi tốt nghiệp THPT vẫn ra những câu hỏi đại loại như: “thể thơ gì? từ ngữ nào nói lên” chỉ ra phép tu từ gì? Những câu hỏi mà ngay cả các em học sinh lớp 6 cũng trả lời tốt. Điều này có lẽ nhằm cho học sinh hưởng trọn 3 điểm trong phần thi này.
Thứ hai, cũng trong phần đọc hiểu, bất ngờ hơn ở chỗ đối với học sinh lớp 12, các em đã ra trường, chuẩn bị bước vào đời nhưng lại viết một đoạn văn đơn giản chỉ có 200 từ. Đây là một đoạn văn quá đơn giản so với trình độ của học sinh lớp 12 và so với yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba, tôi cũng không đánh giá cao phần nghị luận văn học trong đề thi văn năm nay. “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân là truyện ngắn hay, nhưng đây không phải là đoạn văn hay trong tác phẩm. Đặc biệt, ngữ liệu trong đoạn trích này như “tiếng trống thúc thuế… Miếng cám chát xít… cướp kho thóc…” là xa lạ, khó hiểu, khó biểu đạt đối với học sinh hiện nay nếu không muốn nói là lạc hậu.
Thí sinh chờ gọi tên vào phòng trước giờ thi môn Ngữ văn tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn sáng 28-6
Với nguyên tắc ra đề phải bám sát sách giáo khoa, học gì thi nấy và ngữ liệu tác phẩm văn học trong sách giáo khoa lớp 12 hiện nay không nhiều nhưng việc chọn các đoạn trích để ra đề rất quan trọng trong việc đưa tác phẩm đến với học sinh, với thế hệ trẻ. Cũng truyện Vợ Nhặt nhưng có nhiều trích đoạn gần gũi với đời sống hiện nay hơn hoặc gợi cho học sinh về nạn đói năm 1945 mà vẫn dễ hiểu.
Thứ tư, việc cố gắng ra đề mà học sinh không hiểu ngữ liệu thì sẽ cổ vũ cho việc học tủ, học thuộc, nói theo khuôn mẫu và làm mất đi tính sáng tạo trong các bài văn của học sinh.
Đề thi văn rất quan trọng vì nó liên quan đến việc dạy và học văn trong nhà trường. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có những đề thi có thể khuyến khích học sinh sáng tạo, cho các em nói lên được ước mơ, suy nghĩ của bản thân, không giáo điều, lạc lõng thời cuộc. Tôi mong đề văn có thể tiếp cận được việc học văn của thế giới để học sinh chúng ta có thể sánh vai cùng “các cường quốc năm châu”.
* Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:
Đề thi văn ổn, có tính phân hóa tốt
Thí sinh vui vẻ ra khỏi phòng thi sau khi hoàn thanh môn Văn tại điểm Trường Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội
Cá nhân tôi đánh giá đề thi văn năm nay ổn vì tính phân hóa rất tốt, thể hiện qua các nội dung sau: Đầu tiên, đề trải đều trên cả hai phần Đọc hiểu và Làm văn.
Với phần Đọc hiểu, ngay từ câu 2, học sinh cần hiểu rõ thế nào là “giông” mới có thể trả lời đầy đủ. Hơn thế, dù câu hỏi vận dụng (câu số 4) thường là câu giúp học sinh kiếm điểm song từ suy ngẫm của tác giả trong một dòng thơ cụ thể để rút ra bài học về lẽ sống hoàn toàn là điều không dễ dàng.
Vấn đề nghị luận xã hội tuy chưa có sự kết nối chặt chẽ đối với nội dung đoạn trích nhưng vẫn khá hay, có ý nghĩa xã hội, mang tính phổ quát cao bên cạnh việc phù hợp với tâm sinh lý của học sinh lớp 12. Tuy nhiên, yêu cầu chỉ ra sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là một thử thách đối với các em.
Vấn đề nghị luận hướng đến đến giá trị của nhận thức đúng cảm xúc, xử lí hiệu quả cảm xúc trong tình huống cụ thể, điều chỉnh cảm xúc chính xác, phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Dĩ nhiên đây không phải là gợi ý duy nhất cho cách triển khai vấn đề, nhưng để trình bày bài viết thuyết phục, lí lẽ chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng cũng đòi hỏi ở học sinh sự dụng công suy nghĩ không ít.
Trong phần nghị luận văn học, tuy tác phẩm quen nhưng đoạn trích sử dụng làm ngữ liệu được lựa chọn khá bất ngờ. Đây là phần kết của truyện, vốn liên quan nhiều đến cách nhìn cuộc sống theo chiều hướng tích cực, mở lối thoát về phía tươi sáng cho người lao động nghèo trước Cách mạng tháng 8, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn: “Dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai”.
Triển khai bài viết thì không khó, nhưng để phân tích đoạn trích sâu, kĩ nhằm mục đích đạt kết quả cao thì lại đòi hỏi khả năng liên hệ mở rộng của học sinh. Bên cạnh đó, sự tinh ý để nhận ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm cũng là một yêu cầu vốn không dành cho số đông học sinh.
Theo tôi, lạc hậu, nhàm chán, thiếu đột phá và sáng tạo là những ý kiến cần phải phản bác vì ba lí do sau:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã sớm có thông cáo báo chí và thông tin đến dư luận về việc xác định giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024 để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối. Từ đó có thể thấy việc cấu trúc đề thi Ngữ văn nói riêng và các môn nói chung được giữ ổn định là một chủ trương đúng đắn, hợp lí, tránh gây xáo trộn, tạo thêm áp lực cho học sinh.
Thứ hai, những đánh giá “lạc hậu, quen thuộc đến mức nhàm chán, thiếu đột phá và sáng tạo” vốn không phải là tiêu chí dành cho một đề thi tốt. Muốn đánh giá đề thi, người phản biện phải có một hệ thống tiêu chí khoa học, chi tiết chứ không phải những quan điểm thiên kiến.
Thứ ba, với đề thi ở phạm vi quốc gia, cần cân nhắc đến mục đích, đối tượng, sau đó xác định nội dung ra đề phải đảm bảo tính an toàn và đáp ứng yêu cầu phân hóa. Theo tôi, từ bốn góc độ trên, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay là một đề thi tốt vì mục đích xác định rõ ràng, hướng đến đối tượng phù hợp, tính an toàn được đảm bảo, độ phân hóa rất tốt, đáp ứng yêu cầu vừa xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
* PGS.TS Đào Duy Hiệp, nguyên giảng viên khoa Văn học – Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội:
Xa rời cuộc sống hiện đại
Thí sinh rời điểm Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM sau giờ thi môn văn
Ngữ liệu về truyện ngắn “Vợ nhặt” đã học nhiều và đã ra đề thi văn rải rác trong các năm. Nhiều người nói ngữ liệu này xa rời cuộc sống hiện đại cũng có phần đúng. Vì cái đói, cái nghèo, cái khốn cùng đến phải ăn cám như trong truyện ngắn này thì giờ đây với đa số học sinh hơi khó hình dung.
Những năm còn thi văn tuyển sinh đại học, hằng năm tôi đều đi chấm, thấy câu văn xuôi thường ra loanh quanh rơi vào mấy tác phẩm hiện thực phê phán (Chí Phèo, Tắt đèn, Vợ nhặt,…). Trong bài thi, thí sinh thường nhắc lại lịch sử giai đoạn đó. Thực ra, học lịch sử rồi thì những cái đói, cái khốn cùng đó của người dân thí sinh cũng không lạ, chỉ có điều ngữ liệu đã quá cũ đến cùn mòn bây giờ vẫn dùng lại thì e không còn gì để nói nhiều.
Những vấn đề tồn tại kiểu cấu trúc đề thi, dùng những ngữ liệu đã quá cũ, sáo mòn…nếu quyết tâm vẫn có thể khắc phục được. Nhưng thay đổi đề thi thế nào là cả một vấn đề nan giải. Vì nó liên quan đến rất nhiều thứ như chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, việc dạy và học văn trong nhà trường.
Để môn văn dần theo kịp với thế giới tiến bộ thì chương trình sách giáo khoa là rất quan trọng. Trước hết, phải chọn những tác phẩm hay, có tính nghệ thuật cao; tiếp đó, người dạy phải rèn cho học sinh cách tiếp cận văn bản qua con đường nghệ thuật để tìm hiểu nội dung sâu xa ẩn bên dưới…
Tôi cũng có nghe tin rằng sang năm sẽ không còn kiểu ra đề này nữa. Nếu chuyện đó xảy ra, đó là một cố gắng rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi rất mong sẽ thành công!
Nguồn: tuoitre.vn