Bằng tính tình siêng năng cộng với niềm say mê, ham học hỏi, chị Hà Thị Hạnh ở thôn Tân Lực, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm và đạt hiệu quả kinh tế cao.  

Đến thăm trang trại nấm của chị Hà Thị Hạnh, mọi người không khỏi ngạc nhiên bởi mô hình trồng nấm được đầu tư rất quy mô, bài bản. Chị Hạnh cho biết, thời điểm năm 2012, thấy mô hình trồng nấm ở một số địa phương cho thu nhập ổn định nên chị quyết định vay vốn đầu tư xây dựng trang trại để trồng nấm. Tuy nhiên lúc đầu bắt tay vào làm do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên phôi nấm khi mới mua về không phát triển và bị chết dẫn đến lỗ hàng chục triệu đồng.Không nản chí, chị Hạnh quyết định xin đi làm thêm ở trang trại nấm của một người quen tại Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm. Sau một năm, chị Hạnh quyết tâm làm lại từ đầu. Và công sức của chị đã được đền đáp bằng ở lần thứ hai “khởi nghiệp”. “Sau thời gian miệt mài học hỏi, tôi đã nắm bắt được khá tốt về qui trình làm nấm, từ đó tôi đầu tư trồng 5.000 bịch phôi nấm các loại như nấm sò, bào ngư, nấm xám và đều phát triển tốt, cho năng suất rất cao. Nhìn những tai nấm xòe to mà tôi mừng đến rơi cả nước mắt” – chị Hạnh nói.

Chị Hà Thị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm
Chị Hà Thị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm

Theo kinh nghiệm của chị Hạnh, để trồng nấm thành công đầu tiên nguyên liệu phải được đảm bảo sạch, mùn cưa trước khi sử dụng phải được phơi khô, sàng lọc. Chị Hạnh sử dụng mùn cưa từ gỗ cao su, vì theo chị loại mùn này không bị bệnh gây hại cho phôi nấm. Mùn cưa sau khi ủ xong, thời gian ủ hoại mục từ 20-30 ngày, sẽ được trộn với một số chất phụ gia đi kèm rồi đóng bịch đưa vào lo hấp ở nhiệt độ 95-1000C, sau đó đưa ra để nguội rồi cấy giống.Về kỹ thuật, theo chị Hạnh, sau khi cấy nấm, túi ni lông phải được buộc chặt miệng, treo thành chùm trên giàn. Khoảng một đến hai ngày sợi nấm sẽ mọc lan ra trong mỗi bịch. Thời điểm bịch nấm trắng toát như bông, dùng dao rạch 3-4 đường ở xung quanh bịch, mỗi vết rạch có độ dài từ 3-4cm. Từ những đường rạch này, vài ngày sau, nấm sẽ mọc ra. Khi nấm ra được 2-3cm là có thể thu hoạch, sau đó tiếp tục rạch các vết khác trên bịch nấm cho đợt thu hoạch tiếp theo. “Kỹ thuật làm nấm cũng dễ, để thành công, điều cần thiết phải siêng năng cộng với niềm say mê, ham học hỏi” – chị Hạnh nói.  Chị Hạnh cũng lưu ý, khi mua phôi nấm ở các cơ sở kinh doanh nấm cần xác định thời tiết đẹp hay xấu để đưa về trại. Nếu thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao không nên đưa nấm về, vì nấm sẽ không phát triển tốt. Nhiệt độ trong trại nấm khoảng từ 25-300C, cần bố trí thêm hệ thống tưới nước phun sương và hệ thống làm mát cho tầng mái của trại nấm.    Trồng được nấm đã khó, chị Hạnh còn phải lo tìm đầu ra. Những ngày đầu, chị phải tự hái nấm mang ra chợ chào hàng với các tiểu thương hoặc bán cho người quen. “Lúc đầu người ta cũng chưa tin tưởng lắm, nhưng một thời gian khách mua về ăn khen ngon, các tiểu thương chủ động tìm đến đặt hàng” – chị Hạnh nói.Với đức tính kiên trì, tỉ mỉ nên chị Hạnh đã bám trụ được với cây nấm 4 năm nay. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, sau khi tích lũy được ít vốn chị dần dần mở rộng qui mô với diện tích hơn 400m2. Hiện trại nấm của chị cho thu hoạch trung bình mỗi ngày từ 20-30kg nấm sò, bào ngư và xám, với giá từ 25.000 – 35.000 đồng/kg nấm. Không những thế, chị còn cung ứng phôi nấm giống mỗi tháng từ 5.000-10.000 bịch  với giá 3.500 đồng/bịch phôi.Sản phẩm của chị Hạnh làm ra chủ yếu được tiêu thụ trong vùng. Nấm của chị luôn được người tiêu dùng cũng như các trại nấm ưa chuộng, bởi sản phẩm sạch, an toàn. Hiện chị Hạnh sở hữu khoảng 10.000 bịch nấm các loại, bình quân mỗi năm thu về hơn 120 triệu đồng.

Đoàn Hùng

Từ khóa : kỷ thuật nuôi nấmNấm sạchnuôi trồng nấm

Các tin liên quan đến bài viết