Giá bất động sản giảm, thị trường suy yếu và nợ địa phương ngày càng tăng đã tạo thành một vòng luẩn quẩn ở Trung Quốc.
Nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã giảm giá trong bối cảnh tâm lý thị trường yếu
Các nhà kinh tế và chuyên gia bất động sản đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc kích thích giá nhà và giải quyết các vấn đề nợ địa phương nổi bật, khi thị trường nhà ở suy thoái vào tháng 5.
Ngày 20-6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ngân hàng trung ương của nước này, đã hạ lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn một năm (LPR) từ 3,65% xuống 3,55%, đồng thời cắt giảm lãi suất kỳ hạn 5 năm từ 4,3% xuống 4,2%.
Đây là lần đầu tiên ngân hàng cắt giảm lãi suất LPR trong 10 tháng qua, sau khi giảm lãi suất cho vay trung hạn từ 2,75% xuống 2,65% vào tuần trước.
Động thái diễn ra sau thông báo của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) về tình trạng giảm giá bất động sản trong tháng 5 so với tháng 4 tại nhiều thành phố của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho biết các nhà phát triển bất động sản đã cố gắng tăng giá vào tháng 4, nhưng sau đó vấp phải sự phản đối lớn từ người mua nhà nên phải lùi lại sang tháng 5. Tình trạng này dẫn đến áp lực giảm giá với thị trường thứ cấp ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc.
Báo chí địa phương đưa tin các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây đều cảnh báo họ có thể vỡ nợ trong năm 2023.
Ông Zhao Yanjing, phó chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch thành phố Trung Quốc – giáo sư tại Đại học Hạ Môn, cho biết chính quyền trung ương nên giúp chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nợ nần, ngăn họ bán đất giảm giá, gia hạn các khoản vay ngân hàng cho các gia đình, các công ty và chính quyền địa phương, đồng thời hạn chế dòng vốn chảy ra.
“Sự suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc không liên quan đến ngoại thương, vốn vẫn ổn định trong 3 năm qua, bất chấp tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại, cuộc chiến Nga – Ukraine và dịch bệnh.
Nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng là nợ lớn trên bảng cân đối kế toán”, ông nói.
Nguồn: tuoitre.vn