Sụt sịt, hắt hơi, chảy mũi liên tục liệu chỉ là dấu hiệu của bệnh cảm thông thường? Chuyên gia cảnh báo: Bạn có thể đã bị bệnh viêm mũi dị ứng tấn công!
Ô nhiễm không khí là tác nhân làm trầm trọng các triệu chứng viêm mũi dị ứng
Nếu lơ là điều trị, viêm mũi dị ứng có thể lan rộng và gây viêm họng, ù tai, viêm kết mạc,… Nhiều nghiên cứu cho thấy chất lượng không khí xấu đi là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng hơn bệnh lý này.
Hắt hơi sổ mũi – triệu chứng của viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng cơ thể phản ứng quá mức đối với các chất gây kích ứng từ môi trường xung quanh như phấn hoa, lông và da của động vật, nấm mốc, mạt bụi hoặc không khí bị ô nhiễm. Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay lập tức kích hoạt để chống lại các tác nhân này.
Mũi là cơ quan chính tiếp nhận phản ứng phòng vệ. Lượng vi khuẩn và bụi bẩn hít phải bị giữ lại, kích thích lớp màng nhầy của mũi và họng, gây ra triệu chứng hắt hơi.
Một nhầm lẫn khá phổ biến của người có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi là bệnh nhân thường nghĩ mình mắc bệnh cảm, dẫn đến những phương pháp điều trị không đúng cách. Thực tế, tuy có biểu hiện khá tương đồng nhưng tác nhân gây cảm lạnh, cảm cúm lại là vi rút.
Do đó, bệnh cảm có khả năng lây truyền sang người khác khi tiếp xúc gần. Cảm lạnh cũng thường đi kèm sốt hoặc đau nhức toàn thân, trong khi viêm mũi dị ứng có thể gây ra ngứa mắt hoặc phát ban.
Người bệnh nên chú ý những dấu hiệu khác biệt điển hình trên để phân biệt bệnh và có cách xử trí hiệu quả.
“Thường xuyên bị hắt hơi sổ mũi nhưng tôi cứ nghĩ mình bị bệnh cảm cúm, sau nhiều lần mua thuốc cảm nhưng uống mãi không khỏi, tôi đi khám bác sĩ mới biết viêm mũi dị ứng mới là căn bệnh đứng đằng sau những cơn hắt hơi kéo dài”, chị Hoài Trang (quận 4, TP.HCM) chia sẻ.
Anh Hoàng Phúc (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho biết: “Khoảng hai tuần nay, mỗi sáng ngủ dậy hoặc tầm chiều tối, mũi tôi bắt đầu ngứa rồi chuyển sang nghẹt mũi làm hạn chế khả năng hít thở, nên tôi phải chuyển sang thở bằng miệng, bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập lại kéo theo tình trạng viêm họng, viêm thanh quản nữa”.
Theo chuyên trang y tế Healthline, viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh, chẳng hạn như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa, đau hoặc ngứa cổ họng, chảy nước mắt. Triệu chứng kéo dài sẽ gây phát ban, mệt mỏi, đuối sức, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh.
Phòng chống viêm mũi dị ứng khi ô nhiễm không khí
Ở Việt Nam, theo điều tra của khoa dị ứng – miễn dịch Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương thì viêm mũi dị ứng chiếm 32,2% trong các bệnh về tai mũi họng. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, thời tiết thay đổi theo mùa, thêm ô nhiễm không khí và sự xuất hiện của những dị nguyên (chất gây dị ứng) mới khiến số bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng.
Tuần lễ Phòng chống dị ứng thế giới (World Allergy Week) diễn ra từ 18 đến 24-6-2023 cũng đang góp phần giúp các cá nhân nâng cao nhận thức về các bệnh dị ứng nói chung.
Trong đó, dị ứng trong bối cảnh môi trường thay đổi là trọng tâm được đề cập trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ở tình trạng đáng báo động.
Không chỉ ngoài trời, chất lượng không khí trong nhà cũng cần được quan tâm. Aerosol khi nấu ăn, khói thuốc lá, vi khuẩn, nấm mốc, bình xịt bụi,… là những nguồn ô nhiễm chủ yếu trong nhà. Người sống ở môi trường ẩm ướt, khả năng thông gió kém cũng có nhiều khả năng bị viêm mũi dị ứng quanh năm.
Trước tình trạng chất lượng không khí xấu đi, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo một số biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát viêm mũi dị ứng và ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Trong đó, việc theo dõi chất lượng không khí thường xuyên rất quan trọng.
Người dùng có thể sử dụng nhiều nguồn thông tin hữu ích có sẵn trên điện thoại để theo dõi mức độ ô nhiễm của từng khu vực, chủ động tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với nguồn khí ô nhiễm.
Mật độ tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong nhà cũng cần được lưu tâm qua việc vệ sinh định kỳ các khu vực sinh hoạt chung và đảm bảo thông gió đúng cách. Thường xuyên rửa mũi bằng dung dịch muối sinh lý hoặc nước muối sẽ giúp loại bỏ phấn hoa và tạp chất trong mũi; đồng thời duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi.
Nguồn: tuoitre.vn