Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài 260,4 km (trong đó, có 232,6 km đường biên giới trên sông và 27,8 km đường biên giới trên đất liền) tiếp giáp với 4 huyện Orang, Keosima, Snuol và Mimot thuộc 3 tỉnh Tbong Khmum, Kratie và Mondulkiri của Vương quốc Campuchia.
Trong công tác phân giới, cắm mốc, đã xây dựng được 28/28 cột mốc của 19 vị trí mốc và 83 cọc dấu. Có 01 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu chính, 01cửa khẩu phụ và 01 lối mở; với 15 xã biên giới, 124 thôn, ấp (trong đó có 38 thôn, ấp giáp biên) thuộc 03 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Dân số khu vực biên giới có 29.583 hộ/120.938 khẩu, gồm 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 7.714 hộ/33.822 khẩu, chiếm 27,85% dân số. Có 06 tôn giáo: Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo, Phật giáo với 27.528 tín đồ, chiếm 22,94% dân số.
Trong những năm qua, hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước đã phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ đường biên, giữ gìn cột mốc biên giới và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân các tỉnh giáp biên giới Việt Nam – Campuchia. Tuy nhiên, tình hình khu vực biên giới của tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước tình hình đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tạo mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang Campuchia đối diện để bạn phối hợp tốt với chúng ta trong bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới tiếp tục được giữ vững, quốc phòng, an ninh được củng cố, kinh tế, văn hóa – xã hội từng bước được cải thiện, nâng cao.Kết quả đạt được
Ngày 10/02/2014, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2014 – 2015. Để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, hàng năm Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy BĐBP đã xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chỉ đạo các Đồn Biên phòng, Ban Dân vận các huyện, khối vận các xã biên giới xây dựng chương trình và kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, hàng năm đánh giá ưu điểm, hạn chế và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo. Đặc biệt năm 2014, đã phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm “Công tác dân vận vùng biên giới” với quy mô lớn, được Trung ương và lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Sau hội nghị, hai đơn vị đã phối hợp tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 47 – CT/TU về việc “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, hai đơn vị còn phối hợp quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” gắn với việc Quán triệt thực hiện Chỉ thị 47/CT-TU, ngày 25/9/2015 của Tỉnh ủy. Đến nay các huyện, xã biên giới trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo phong trào cấp huyện và chỉ đạo các xã biên giới phối hợp với các đồn Biên phòng tiến hành khảo sát để tổ chức cho các tập thể, hộ gia đình đăng ký tham gia phong trào. Thống nhất chọn làm điểm ở 3 thôn, ấp biên giới gồm: thôn 10, xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập; ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh và ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Cả 03 thôn, ấp nói trên đã tổ chức xong hội nghị điểm về  việc ký kết tham gia phong trào và hiện đang tiếp tục tổ chức nhân rộng phong trào ở các xã biên giới.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới tập trung xây dựng hệ thống cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng an ninh; phát huy vai trò của già làng và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc duy trì 11 đồng chí cán bộ tăng cường cho các xã biên giới và 138 đồng chí cán bộ đảng viên các đơn vị cơ sở tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, ấp biên giới. Thông qua việc tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được vay vốn, hỗ trợ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, cuộc vận động: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, Chương trình “Ngân hàng  bò giống”; Chương trình “Vì sức khỏe cộng đồng”; Cuộc vận động “Nâng bước em đến trường”; “ Hũ gạo tình thương giúp phụ nữ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn”…. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Hội CTĐ thành phố Hồ Chí Minh, Hội CTĐ tỉnh  và các bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, Chợ Rẫy, Hùng Vương tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân biên giới được 3.150 lượt người (tiền thuốc và quà trị giá 675 triệu đồng). Quân y các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh được 1.579 lượt người, tư vấn sức khỏe cho hơn 1.000 lượt người, tham gia chiến dịch tiêm chủng mở rộng được 860 lượt người.

Trong các đợt hạn hán và lốc xoáy trên địa bàn các xã biên giới, CBCS BĐBP tỉnh đã kịp thời tổ chức lao động giúp dân khắc phục hậu quả hạn hán, thiên tai, lốc xoáy được 1.053 ngày công lao động, chở cấp hơn 2.000 m3 nước sinh hoạt, giúp nhân dân dựng trên 172.000 nọc tiêu bị đổ do lốc xoáy… Kịp thời giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống, xây dựng, củng cố và tăng cường được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và mối quan hệ đoàn kết Quân – Dân ngày càng gắn bó.

Thực hiện công tác đối ngoại biên phòng gắn với công tác tuyên truyền đặc biệt, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy làm tốt công tác đối ngoại với chính quyền, lực lượng vũ trang Campuchia. Chỉ đạo các Đồn Biên phòng duy trì tốt việc hội đàm, gặp gỡ trao đổi tình hình định kỳ và đột xuất, phối hợp tốt trong công tác quản lý bảo vệ biên giới với lực lượng vũ trang Campuchia. Cấp tỉnh tổ chức hội đàm định kỳ được 04 lần, trao đổi tình hình đột xuất được 08 lần; cấp Đồn Biên phòng hội đàm định kỳ 196 lần, quan hệ xã giao 139 lần, gặp gỡ trao đổi tình hình 342 lần, phối hợp tuần tra song phương bảo vệ biên giới 201 lần/1.703 lượt CBCS tham gia. Qua công tác đối ngoại, BĐBP tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng vũ trang Campuchia vật chất, lương thực, thuốc chữa bệnh trị giá 1.823 triệu đồng; phối hợp với Hội CTĐ Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn Thầy thuốc tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân nước láng giềng được 1.100 lượt người, tiền thuốc và quà trị giá trên 440 triệu đồng.

Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới
Để chương trình phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hiệu quả hơn nữa trong tời gian tới, kiến nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Triển khai thực hiện Đề án của Bộ Tư lệnh BĐBP về “Liên kết với chính quyền địa phương mở lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ hiện đang công tác vùng dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới” và Đề án “Tăng cường sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ đội Biên phòng xuống các xã trọng điểm ở khu vực biên giới”. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 84 về xây dựng điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới; bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020 trên địa bàn biên giới để góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam – Campuchia.

Lý Trọng Nhân/Theo Tỉnh ủy Bình Phước

Từ khóa : công giáohồi giáophật giáotín đồtin lànhTôn Giáo

Các tin liên quan đến bài viết