Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định nguy cơ người đồng cấp Nga Vladimir Putin dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật là “có thật”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một khu bảo tồn ở thành phố Palo Alto, bang California hôm 19-6
Theo Hãng tin Reuters, ngày 19-6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật là “có thật”. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức công phá nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược.
Ông Biden chia sẻ với một nhóm nhà tài trợ tại California: “Hai năm trước, khi tôi đến đây và chia sẻ nỗi lo về việc sông Colorado đang cạn dần, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên. Họ cũng nhìn như thế khi tôi nói tôi lo rằng ông Putin sẽ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mối đe dọa này có thật”.
Sông Colorado là nguồn nước quan trọng cho 7 bang ở phía tây bắc Mỹ. Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, dòng sông này rơi vào tình trạng cạn đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và sinh hoạt trong khu vực.
Trước đó, hôm 13-6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko xác nhận họ đã bắt đầu tiếp nhận các lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Matxcơva. Trong số vũ khí được chuyển có những đầu đạn với sức công phá mạnh gấp 3 lần hai quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở ngoài lãnh thổ nước này kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Đến ngày 16-6, ông Putin công khai khẳng định các đầu đạn hạt nhân chiến thuật đầu tiên đã được chuyển đến Belarus, song nhấn mạnh ông tin hiện chưa phải lúc sử dụng đến chúng.
Không lâu sau đó, ngày 17-6, ông Biden đã lên tiếng chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của Matxcơva ở lãnh thổ Belarus là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Nga tố Mỹ “đạo đức giả” về vũ khí hạt nhân
Trong tuyên bố ngày 27-5, Đại sứ quán Nga gọi những chỉ trích của Mỹ đối với kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là “đạo đức giả”.
Theo Matxcơva, “trước khi đổ lỗi cho người khác, Washington nên tự xem lại mình”.
“Mỹ đã duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn trong nhiều thập kỷ ở châu Âu. Cùng với các đồng minh NATO, Mỹ tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và huấn luyện cho các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga”, Đại sứ quán Nga nêu lập luận.
Nguồn: tuoitre.vn