Ớt là gia vị kích thích vị giác, cung cấp vitamin, một lượng nhỏ protein và chất xơ. Tuy nhiên, một số người nên hạn chế ăn loại gia vị này.
Ớt nhiều vitamin, nhưng người mắc bệnh tim, tăng huyết áp, viêm khí quản mạn tính, bệnh phổi không nên ăn nhiều
Tạo ra chất giảm đau…
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu – Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam – cho biết ớt chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe. Ớt là loại gia vị giúp tăng mùi vị món ăn hoặc đơn giản là do sở thích cá nhân. Ớt chứa thành phần dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với các loại rau thông thường.
100g ớt tươi sẽ cung cấp cho cơ thể 32% vitamin A, 240% vitamin C, 39% vitamin B6, 4,5% vitamin E và 11,5% vitamin K so với nhu cầu vitamin cần cho cơ thể trong một ngày. Chỉ cần ăn khoảng 40g ớt tươi thì bạn đã nạp đủ nhu cầu vitamin C cho cơ thể trong cả một ngày.
Ớt có nhiều tác dụng. Bác sĩ Thu cho biết thành phần trong ớt tạo ra chất giảm đau. Lý do nhiều người ăn ớt có cảm giác cay tê tái là do trong ớt có chất capsaicin tạo ra vị cay và kích ứng niêm mạc của vị trí ớt tiếp xúc.
Khi niêm mạc bị kích ứng sẽ gửi thông tin về não và não bộ sẽ gửi tín hiệu cho cơ thể tạo ra nhiều chất khác nhau, trong đó có endorphin là một chất giảm đau.
Một nghiên cứu cho thấy rằng khi 2,5g ớt đỏ được cung cấp hằng ngày cho những người bị ợ nóng thì cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi bắt đầu điều trị 5 tuần nhưng được cải thiện theo thời gian.
Y học hiện đại đang nghiên cứu các thành phần trong ớt để tạo ra các chất giảm đau. Loại ớt cay nhất thế giới hiện nay với độ cay 2,48 triệu độ SHU. Loại ớt này là sản phẩm lai tạo nhằm mục đích y học chứ không phải để ăn.
Ăn ớt giúp hỗ trợ giảm cân. Có nhiều người đã thử kết hợp ăn ớt với các chế độ ăn kiêng và thấy rằng hiệu quả giảm cân rất tốt bởi các lý do:
– Thứ nhất: Ăn ớt giúp tuần hoàn máu nhưng cũng giúp cơ thể tăng khả năng trao đổi chất và giúp tiêu thụ calo tốt hơn.
– Thứ hai, ăn ớt sản sinh ra nhiều loại hormone khác nhau, các hormone này cũng đóng vai trò giảm sự thèm ăn và đốt cháy mỡ thừa.
– Thứ ba, ăn ớt bạn có thể thấy khá nóng và cơ thể sẽ đổ mồ hôi khiến cơ thể mất nước, điều này giúp bạn uống nhiều nước hơn và cũng giúp thanh lọc cơ thể tốt hơn.
Tác hại khi ăn quá nhiều ớt
Theo bác sĩ Thu, ớt là gia vị tốt nhưng khi ăn quá nhiều sẽ gặp tác hại như: gây bỏng rát ở vùng miệng, mất vị giác ở khu vực bị bỏng. Chất capsaicin có trong ớt khi tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm như trong niêm mạc miệng sẽ gây ra phản ứng kích thích mạnh lên các tế bào cảm thụ.
Gây hại cho dạ dày và hệ tiêu hóa: Ớt gây ra tình trạng cay nóng, bỏng rát ở khoang miệng và nó cũng gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Nếu ăn nhiều ớt trong thời gian dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến dạ dày.
Còn nếu bạn đang bị các vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày thì tốt nhất không nên ăn ớt, việc ăn ớt sẽ khiến bệnh tình trầm trọng hơn.
Ăn ớt có thể gây đau ruột ở một số người. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, cảm giác nóng rát trong ruột, chuột rút và tiêu chảy đau đớn. Điều này phổ biến hơn ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Ớt có thể tạm thời làm nặng thêm các triệu chứng ở những người không quen ăn nó thường xuyên. Vì lý do này, những người mắc hội chứng ruột kích thích cần hạn chế tiêu thụ ớt và các thực phẩm cay khác.
Ăn nhiều ớt không tốt cho người có bệnh về tim mạch. Khi ăn ớt vị cay nóng sẽ khiến tim đập nhanh hơn, máu trong cơ thể lưu thông nhanh hơn bình thường.
Những ai không nên ăn ớt?
BS Nguyễn Hoài Thu cho hay một số người không nên ăn ớt. Người bị trĩ ngoại hay trĩ nội đều không nên ăn ớt. Việc ăn cay có thể khiến các búi trĩ sưng to và gây đau rát hơn bình thường.
Người mắc bệnh tim, tăng huyết áp, viêm khí quản mạn tính, bệnh phổi không nên ăn nhiều ớt bởi trong ớt chứa các chất khiến lượng máu tăng cao trong quá trình tuần hoàn, tim đập nhanh.
Người bị bệnh viêm túi mật, sỏi mật không nên ăn nhiều ớt bởi chất kích thích có trong ớt sẽ làm tăng dịch vị trong dạ dày.
Người bị viêm da, người có nhiều mụn không nên ăn ớt. Vị cay của ớt gây nóng trong, do đó những người bị viêm da hay nổi mụn thì không nên ăn loại gia vị này bởi nó sẽ khiến tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.
Người bệnh sau phẫu thuật không nên ăn ớt bởi cần có thời gian để lành vết thương, do đó cần hết sức tránh những thực phẩm cay, nóng.
Người mắc bệnh thận không nên ăn ớt bởi các chất khi đưa vào cơ thể đều phải thông qua thận để thải ra ngoài, chính vì vậy nếu ăn quá cay sẽ gây tổn thương ít nhiều đến tế bào thận, nghiêm trọng hơn còn gây thoái hóa chức năng thận.
Người bị cường giáp không nên ăn ớt. Những người bị bệnh cường giáp có nhịp tim vốn đã nhanh hơn người bình thường. Do đó, nếu ăn cay có thể làm tăng nhịp đập của tim, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Phụ nữ mang thai và mới sinh con không nên ăn ớt. Đối với phụ nữ có thai, ăn cay không ảnh hưởng trực tiếp đến người mẹ, nhưng bà bầu ăn cay có thể gây bệnh dị ứng cho trẻ sau này. Theo kinh nghiệm dân gian khi mẹ ăn quá cay, con sinh ra dễ bị rôm sảy, nóng trong.
Sản phụ vừa trải qua ca sinh nở nên hạn chế tối đa các món ăn cay. Cơ thể người mẹ lúc này đang rất yếu, nếu ăn cay quá nhiều không những khiến cơ thể bị nóng mà còn ảnh hưởng chức năng dạ dày.
Đặc biệt, nếu đang cho con bú, người mẹ ăn ớt cay sẽ ảnh hưởng chất lượng sữa cho con bú. Khi mang thai cũng như sau sinh, các mẹ thường bị táo bón, nếu ăn ớt sẽ làm cho chứng táo bón trầm trọng hơn.
Nguồn: tuoitre.vn