Ngành Kỹ thuật Hàng không là ngành học có nhiều tiềm năng phát triển khi thị trường hàng không nước ta sở hữu nhiều lợi thế lớn.
Ngành Kỹ thuật Hàng không là một trong những lựa chọn mới nhiều triển vọng được phụ huynh, học sinh Gen Z quan tâm tìm hiểu bên cạnh các ngành học quen thuộc trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ.
Về vị trí địa lý, Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển và trung tâm bảo dưỡng hàng không của khu vực.
Về nhu cầu nhân lực, sự phát triển của các hãng hàng không cùng với sự gia nhập của Boeing vào thị trường Việt Nam từ năm 2022 đã đặt ra nhu cầu số lượng lớn các kỹ thuật viên, phi công được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đảm nhận các vai trò trong dây chuyền sản xuất và cung ứng dịch vụ.
Do yêu cầu chất lượng đào tạo nghiêm ngặt, hiện nay có rất ít trường đại học Việt Nam được cấp phép đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không.
Tại miền Nam, chỉ có 2 trường đại học công lập là Đại học Bách khoa TP.HCM và Học viện Hàng không Việt Nam được cấp phép đào tạo. Gần đây nhất, ngành Kỹ thuật Hàng không đã mở rộng cánh cửa cho người học có đam mê khi Trường đại học Văn Lang vừa chính thức công bố tuyển sinh khóa đầu tiên với 2 chương trình: Kỹ sư Kỹ thuật Hàng không và Cử nhân Kỹ thuật Hàng không.
Dành niềm yêu thích đặc biệt cho những mô hình máy bay từ nhỏ, thí sinh Nguyễn Dương Hà An (THPT Hermann Gmeiner, TP Đà Lạt) vui mừng khi bản thân có cơ hội hiện thực hóa ước mơ vì có thêm trường đại học đào tạo ngành học lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.
Hà An cho biết bên cạnh Trường đại học Văn Lang, trước đó bạn đã nộp hồ sơ xét tuyển ngành học này tại Học viện Hàng không Việt Nam.
Dù là nữ sinh nhưng Hà An không ngại nếu phải làm việc với các thiết bị máy móc, dầu nhớt mà hơn thế nữa, các môn khoa học tự nhiên chính là lợi thế của cô bạn khi học tại trường phổ thông.
Ngành học “khát” nhân lực trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật
Theo “Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp giai đoạn 2018 – 2021” được công bố tại diễn đàn “Phát triển hợp tác nhà trường và doanh nghiệp” sáng 26-5, tỉ lệ sinh viên nhóm ngành công nghệ kỹ thuật có việc làm theo lĩnh vực đào tạo thường rất cao, nằm trong nhóm dẫn đầu suốt 4 năm liên tiếp.
Tại hội thảo về đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không do Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức ngày 23-5 vừa qua, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết ngành Kỹ thuật Hàng không có mức lương khá cao (từ 20 – 50 triệu đồng), nhưng số lượng trường đào tạo ngành này tại Việt Nam còn khá ít, trong khi sự phát triển của các dự án sân bay, nhu cầu bảo dưỡng tàu bay của các hãng hàng không ngày một nhiều, khiến ngành Kỹ thuật Hàng không tại nước ta đang trong tình trạng rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng.
Người học ngành Kỹ thuật Hàng không có cơ hội được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, quốc tế với mức lương cao, lộ trình thăng tiến rõ rệt theo khả năng chuyên môn.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia đầu ngành Kỹ thuật Hàng không Việt Nam – cho biết hiện nay cả nước có khoảng 3.000 kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không.
Đây là lực lượng chủ lực trong ngành hàng không dân dụng, tham gia bảo dưỡng và điều hành các hoạt động kỹ thuật tại sân bay Việt Nam.
Mặc dù đã nhận được kết quả trúng tuyển sớm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường đại học Văn Lang, Lê Hoàng Quốc Việt (THPT Trần Cao Vân, TP.HCM) vẫn xét tuyển thêm ngành Kỹ thuật Hàng không tại trường này ngay khi có thông báo tuyển sinh.
Quốc Việt chia sẻ: “Em đã tìm hiểu về ngành học này từ lâu nhưng chưa tìm được trường học phù hợp, nên dự định sẽ học ngành khác cũng thuộc nhóm kỹ thuật.
Chính bố mẹ là người đã giới thiệu và khuyến khích em xét tuyển thêm ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường đại học Văn Lang. Hiện tại, em và gia đình rất hào hứng khi được chọn học đúng với đam mê của mình”.
Chương trình đào tạo đầu tư chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế
Do đặc thù của ngành học, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tại các trường đại học thường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo cung cấp cho người học các khối kiến thức lý thuyết, môi trường thực hành, rèn luyện thao tác, kỹ năng và khả năng ngoại ngữ để nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đa quốc gia.
TS Vũ Quốc Huy – thành viên nhóm phát triển đề án mở ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường đại học Văn Lang – cho biết mỗi trường đại học sẽ có phương án xây dựng thế mạnh riêng trong chương trình đào tạo của mình dù cùng một ngành học.
Đối với ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường đại học Văn Lang chú trọng phát triển kiến thức toàn diện cho sinh viên, vừa có nền tảng khoa học kỹ thuật rộng, vừa chuyên sâu về kỹ thuật hàng không.
Trên nền tảng kiến thức ấy, sau tốt nghiệp, các bạn có thể tham gia làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành hàng không cùng các lĩnh vực liên quan.
Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng tăng cường các giờ thực hành, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp và tích hợp công nghệ mới vào chương trình đào tạo nhằm mang đến những trải nghiệm gần sát với thực tiễn nhất, hữu ích nhất cho sinh viên.
Nền tảng khoa học rộng, khả năng ngoại ngữ tốt và nhiều giờ thực hành giúp người học ngành Kỹ thuật Hàng không có đủ khả năng và kỹ năng để đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực hàng không cùng các lĩnh vực liên quan.
Tự tin về khả năng học tập các khối kiến thức khoa học kỹ thuật nhưng Nguyễn Dương Hà An (THPT Hermann Gmeiner, TP Đà Lạt) khá lo lắng vì vốn ngoại ngữ chưa thật sự tốt.
Hà An được biết chương trình đào tạo kỹ sư Kỹ thuật Hàng không tại Trường đại học Văn Lang có 171 tín chỉ, trong đó có 21 tín chỉ là tiếng Anh cùng với nhiều tài liệu, giáo trình đòi hỏi người học phải có vốn ngoại ngữ nhất định. Nếu trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật Hàng không, Hà An hy vọng sẽ được thầy cô hỗ trợ cải thiện khả năng tiếng Anh để có thể nhanh chóng bắt nhịp với các bạn trong quá trình học.
Khi biết tin PGS.TS Nguyễn Thiện Tống là người khởi xướng xây dựng ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường đại học Văn Lang, Quách Hiếu Nghĩa (THPT Hermann Gmeiner, tỉnh Cà Mau) và gia đình càng tin tưởng vào định hướng chương trình đào tạo của ngành.
Hiếu Nghĩa cho biết: “Dù là khóa sinh viên đầu tiên nhưng mình hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ giảng viên ngành Kỹ thuật Hàng không tại Văn Lang cũng như môi trường học tập năng động nơi đây sẽ giúp mình phát triển đúng năng lực của bản thân”.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống là người khởi xướng xây dựng ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường đại học Văn Lang.
Với chất lượng giáo dục đang ngày một nâng cao, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam đang mở rộng cơ hội theo đuổi nghề nghiệp triển vọng cho người trẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư, phát triển khoa học kỹ thuật cao nhằm phục vụ hành trình phát triển đất nước.
Quyết định nộp hồ sơ xét tuyển ngành Kỹ thuật Hàng không, Lê Tự Huy Hoàng (THPT Nhân Việt, TP.HCM) chia sẻ: “Em muốn thế giới sẽ có cái nhìn khác về khối ngành kỹ thuật tại Việt Nam. Ngay cả những ngành học khó như Kỹ thuật Hàng không, Việt Nam ta cũng hoàn toàn đủ sức để đào tạo nên đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bài bản”.
Nguồn: tuoitre.vn