Các doanh nghiệp du lịch của sáu tỉnh Đông Nam Bộ đang cùng hướng đến những cách làm du lịch mới, bền vững hơn, cao cấp hơn, làm khách chi tiêu nhiều hơn.

Du khách vui chơi tắm biển Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du khách vui chơi tắm biển Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 

Tại hội thảo “Tìm con đường mới cho du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu và Đông Nam Bộ” diễn ra vào ngày 9-6 ở TP Vũng Tàu, hơn 150 doanh nghiệp, chuyên gia cùng lãnh đạo du lịch đã cùng đồng lòng cho mục tiêu trên.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Du lịch vùng Đông Nam Bộ phối hợp tổ chức cùng sự đồng hành của Saigontourist Group.

Nguy cơ du lịch tụt hậu

Ông Phạm Ngọc Hải, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết chỉ cách TP.HCM khoảng 120km, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác lượng du khách khổng lồ từ Sài Gòn cùng với các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

Từ nhiều năm qua, Vũng Tàu trở thành điểm du lịch quen thuộc vào mỗi cuối tuần mà các gia đình đều hướng đến. Tuy vậy, du lịch vùng Đông Nam Bộ cũng đang tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng so với các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…

Trong đó, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vào những ngày trong tuần và vào mùa thấp điểm các dịch vụ chỉ đạt công suất từ 40 – 50% làm cho ngành du lịch địa phương bị chậm lại và tụt hậu so với các tỉnh khác.

“Các tỉnh, TP khác không ngừng tung ra các sản phẩm mới đa dạng phong phú. Gần đây sự phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Nha Trang đang ảnh hưởng đến lựa chọn của khách du lịch biển, đặt du lịch toàn vùng vào những thách thức mới”, ông Hải phân tích.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đông Hòa – phó tổng giám đốc Saigontourist Group – nói rằng ngày càng nhiều tuyến cao tốc được hình thành, rút ngắn thời gian di chuyển nên khách sẽ tìm đến nơi có sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương. Vì vậy, sự cạnh tranh không chỉ riêng với Vũng Tàu mà còn với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.

“Bà Rịa – Vũng Tàu cần nghiên cứu nâng tầm các sản phẩm hiện hữu hoặc xây dựng các sản phẩm mới, các sự kiện đặc trưng, quy mô lớn, diễn ra định kỳ để xây dựng thương hiệu du lịch ấn tượng, tạo điểm nhấn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư đúng mức về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của Việt Nam; chú trọng khai thác hợp tác liên kết với TP.HCM trong các hoạt động quảng bá đến khách quốc tế, đặc biệt là tại cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất”, ông Hòa đề nghị.

Nâng chất để đón khách du lịch cao cấp

Hiện nay các tỉnh Đông Nam Bộ đang bước vào mùa du lịch hè, vì vậy các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đề xuất bắt tay ngay với nhau để cùng xây dựng các sản phẩm du lịch hè phù hợp cho từng đối tượng khách. Trong đó, xác định sản phẩm có thể cạnh tranh được phải là những sản phẩm cao cấp.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO Công ty nghiên cứu thị trường The Outbox Company, đưa ra những con số khẳng định Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ có những cơ sở để phát triển du lịch cao cấp.

Trước hết, tổng lượng khách đến Đông Nam Bộ năm 2022 cao xấp xỉ vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc. Phần lớn khách đến có thu nhập từ 15 – 45 triệu đồng/hộ/tháng là nhóm trung lưu, sẵn sàng chi tiêu cao.

Ngoài ra, hơn 60% du khách Việt Nam có xu hướng chi tiêu cho du lịch nhiều hơn so với trước COVID-19 và Bà Rịa – Vũng Tàu luôn giữ vị trí top 5 các điểm đến được ưu tiên lựa chọn bởi khách du lịch Việt Nam.

Ông Phước kiến nghị ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cần thu hút các dự án du lịch cao cấp từ các thương hiệu uy tín và phải cải thiện hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM và các địa phương trong vùng.

“Với Vũng Tàu, việc ưu tiên là phải quản lý tốt sức chứa điểm đến. Nếu không đảm bảo yếu tố này thì khó đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh. Sớm nâng cao số lượng cơ sở lưu trú 4-5 sao trên địa bàn”, ông Phước nhấn mạnh.

Gắn bó với du lịch Việt Nam lâu năm, ông Paul Stoll – giám đốc điều hành The Imperial Hospitality, người từng đưa ra ý tưởng cho sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” – đưa ra lời khuyên Vũng Tàu không bao giờ được giảm giá hay hạ chất lượng sản phẩm để đón nhiều du khách hơn.

“Chất lượng là yếu tố quyết định du lịch Việt Nam, trong đó chất lượng con người, đào tạo nguồn nhân lực sẽ làm nên chất lượng sản phẩm du lịch”, ông Paul Stoll chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Khánh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khẳng định việc hợp tác, liên kết không những đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương mà còn hỗ trợ, bổ sung sản phẩm du lịch cho nhau, tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh.

Việc liên kết còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, khu vực, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần và người dân có thu nhập cao như vùng miền Đông Nam Bộ.

* Ông Nguyễn Trùng Khánh (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Các địa phương cần xây dựng những chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu từ du lịch để có mục tiêu thực hiện trong những năm tiếp theo.

Đồng thời nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị hiếu của khách.

Tổng cục sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ, các doanh nghiệp để phát triển du lịch một cách trọng tâm, trọng điểm với phương châm cho ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, điểm đến an toàn văn minh thân thiện…

* Ông Trịnh Hàng (giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu):

Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung nhiều dự án đẳng cấp quốc tế, tạo ra các cụm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tập trung, đặc biệt là tập trung phát triển dự án kinh tế đêm.

Tuy nhiên, về mặt quy định pháp luật cần phải điều chỉnh thì mới phát triển được loại hình này.

Về loại hình du lịch sinh thái, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều mảng xanh để phát triển nhưng thực tế toàn tỉnh đang có đến 69 dự án du lịch có liên quan đến rừng nên chưa thể triển khai vì vướng các luật hiện hữu.

* Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):

Hội nghị triển khai nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại Vũng Tàu đã dựa trên ba chữ MỚI, đó là “Tư duy mới – Đột phá mới – Giá trị mới”.

Từ cảm hứng này, hội thảo mong muốn đi tìm con đường mới cho du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ với những ý tưởng mới mẻ, táo bạo để trở thành điểm đến thân thuộc.

* Ông Lê Trương Hiền Hòa (phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM):

Từ năm 2022, du lịch TP.HCM đã vượt qua chỉ tiêu đề ra về doanh thu nhờ tập trung vào giá trị sản phẩm dịch vụ, giúp du khách chi tiêu nhiều hơn và cũng có những đo đếm về nhu cầu du khách.

Các doanh nghiệp du lịch cũng đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa, có đến 56% du khách muốn tham quan TP và khám phá lịch sử TP… Do đó, TP tập trung phát triển dòng sản phẩm này. Ngoài ra, mỗi quận huyện trên địa bàn TP khi phát triển sản phẩm đặc trưng cũng lồng ghép phát triển kinh tế đêm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Đông Nam Bộliên kết du lịch

Các tin liên quan đến bài viết