Em năm nay hơn 16 tuổi, nếu em lỡ mang thai với người yêu thì con của em có thể làm giấy khai sinh được không?
Có được đăng ký khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi?
Em có thể đăng ký khai sinh khi con chào đời hay phải đủ 18 tuổi mới làm được thủ tục này?
Một bạn đọc gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online.
Luật sư TRẦN THỊ HẬU – Đoàn luật sư Đà Nẵng – trả lời:
Luật sư Trần Thị Hậu
Khoản 1, điều 30, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Luật Trẻ em 2016 cũng quy định trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Hộ tịch 2014, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con.
Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà, người thân khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.
Theo các quy định trên, trẻ em có quyền được khai sinh và cha mẹ có trách nhiệm thực hiện việc khai sinh cho con.
Hiện pháp luật cũng không có quy định nào bắt buộc người mẹ phải trên 18 tuổi mới được quyền đăng ký khai sinh cho con. Do vậy trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cần thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định pháp luật.
Thủ tục đăng ký khai sinh
Căn cứ theo Luật Hộ tịch 2014, trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho con gồm:
Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định, giấy chứng sinh.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Hồ sơ:
Người thực hiện đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan sau:
Cơ quan đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ (áp dụng trong trường hợp cả cha và mẹ của trẻ là công dân Việt Nam cư trú trong nước).
Cơ quan đăng ký hộ tịch tại UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ (áp dụng trong trường hợp trẻ sinh ra tại Việt Nam mà cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch).
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch; cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào sổ hộ tịch. chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Nguồn: tuoitre.vn