Nắng nóng gay gắt thiêu đốt khu vực châu Á trong những tuần gần đây có thể là cơ hội cho Nga trong việc tăng xuất khẩu năng lượng như than và khí đốt.

Châu Á chìm trong nắng nóng: Cơ hội cho năng lượng của Nga - Ảnh 1.

Một cơ sở làm nước đá ở Bangkok, Thái Lan 

Nắng nóng và El Nino

Nắng nóng và khô hạn buộc các nước trong khu vực phải đảm bảo có đủ than và khí đốt để duy trì nguồn điện. Lúc này, nguồn năng lượng bị phương Tây xa lánh của Nga trở thành lựa chọn khả dĩ.

“Nơi nắng nóng nhất hiện nay là Nam Á, đặc biệt là các quốc gia nghèo như Pakistan hay Bangladesh”, ông John Driscoll, giám đốc của Công ty dự báo thị trường năng lượng JTD Energy Services tại Singapore, cho biết.

“Khi thậm chí không thể chăm lo cho những nhu cầu cơ bản của người dân, thì rất khó để quan tâm nhiều đến các vấn đề quốc tế”, ông nói thêm.

Trong khi đó, hiện tượng El Nino được dự báo đang đến gần, có thể kéo theo các đợt nắng nóng cùng hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều quốc gia và gây thiệt hại ước tính lên tới 3.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, theo Hãng tin Bloomberg, El Nino sẽ là động lực để các nước châu Á mua thêm năng lượng của Nga.

Châu Á là khách hàng lớn của Nga

Số liệu từ Công ty dữ liệu Kpler cho thấy xuất khẩu than và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Á đã tăng rõ rệt trong năm nay. Đây là hai loại nhiên liệu thường được sử dụng trong sản xuất điện.

Số lượng than xuất khẩu của Nga tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga tới châu Á cũng tăng trong những tháng gần đây.

Nhập khẩu dầu đốt (dầu FO) của Nga vào châu Á tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4. Dầu đốt là loại dầu thay thế bẩn hơn và rẻ hơn để sản xuất điện.

Theo Bloomberg, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước mua dầu giảm giá nhiều nhất của Nga. Không chỉ vậy, hai nước này cũng đang mua nhiều than, khí đốt và dầu đốt nhất.

Trung Quốc và Ấn Độ nhập hơn 2/3 lượng than mà Nga chuyển tới châu Á vào tháng trước. Hàn Quốc chiếm 15%. Ngoài ra còn có các khách hàng khác như Việt Nam, Malaysia, Sri Lanka.

Báo Danas của Serbia, dẫn báo cáo “Kinh tế ngày nay” ngày 22-5, cho biết bên cạnh một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu chính năng lượng của Nga.

Theo Emma Li, nhà phân tích của Công ty theo dõi thị trường năng lượng Vortexa (Vương quốc Anh), các nước như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka có thể sẽ nhập khẩu thêm dầu đốt của Nga để sản xuất điện. Bà Emma nói rằng Trung Đông gần đây cũng đã tăng nhập khẩu dầu đốt Nga và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong mùa hè.

Theo ông Chris Wilkinson – nhà phân tích cấp cao tại Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad (Na Uy), ngay cả Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng có thể tăng cường mua năng lượng của Nga.

“Nhật Bản có thể xem xét mua thêm LNG từ Nga theo các hợp đồng dài hạn hiện có, vì nó tiết kiệm chi phí hơn so với mua trên thị trường giao ngay”, ông Wilkinson nhận định.

Ông John Driscoll từ JTD Energy cho rằng việc nhiều quốc gia châu Á ngày càng tăng mua năng lượng của Nga làm nổi bật ảnh hưởng đang suy giảm của Nhà Trắng và tình thế khó khăn mà nhiều quốc gia đang lâm vào.

“Khi có một thỏa thuận tốt trên bàn đàm phán, làm sao một quốc gia nghèo có thể từ chối”, ông Driscoll nói, ám chỉ việc Nga giảm giá năng lượng cho các nước nghèo.

Không chỉ tăng mua năng lượng Nga, một số nước còn muốn thanh toán bằng đồng rupee hoặc đồng nhân dân tệ.

Trong tháng này, Pakistan tuyên bố sẽ thanh toán cho các lô hàng dầu thô từ Nga bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm ngoái, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp và nhân dân tệ thay vì USD, theo một thỏa thuận hai bên đã ký kết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : khí đốt dầunăng lượng

Các tin liên quan đến bài viết